Vietnam Investment Property Holdings Limited thuộc VinaCapital bán PHR
Ngày 10/8, quỹ Vietnam Investment Property Holdings Limited thuộc VinaCapital bán 460.500 đơn vị PHR của Cao su Phước Hòa ( HoSE:PHR ), qua đó hạ lượng nắm giữ còn 22.540 cổ phần, tương đương 0,02% vốn điều lệ. Sau giao dịch, lượng sở hữu của nhóm VinaCapital tại Cao su Phước Hòa còn 5,76% vốn điều lệ với 7,8 triệu cổ phần.
Tạm tính theo thị giá kết phiên giao dịch 10/8 là 69.300 đồng/cp, VinaCapital dự thu khoảng 32 tỷ đồng từ việc bán lượng cổ phần trên.
Trước đó, vào ngày 3/8, Vietnam Investment Property Holdings Limited cũng đã thoái 115.700 cổ phiếu PHR, hạ nắm giữ còn 0,45% vốn điều lệ Cao su Phước Hòa. Qua đó, lượng nắm giữ của VinaCapital cũng giảm từ 7% với 9,5 triệu cổ phần xuống 6,91% với 9,4 triệu cổ phần. Như vậy, nhóm quỹ này đã bán gần 1,6 triệu cổ phiếu PHR chỉ trong 1 tuần.
Ở chiều ngược lại, ngày 13/5, 2 quỹ thành viên khác của VinaCapital là quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth và quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital mua cổ phần Cao su Phước Hòa với khối lượng lần lượt là 50.000 và 35.000 cổ phiếu, qua đó nâng lượng nắm giữ lên 464.880 cổ phần (tỷ lệ 0,34%) và 191.300 cổ phần (tỷ lệ 0,14%).
Về hoạt động kinh doanh của Cao su Phước Hòa, quý III tới HĐQT đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ quý III đạt 492 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; lần lượt tăng 75% và gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
HĐQT đánh giá trong quý III và nửa cuối năm gặp phải khó khăn như giá cả vật tư, nhiên liệu, phân bón đều tăng trong khi giá bán cao su giảm, tình trạng thiếu lao động khai thác mủ, tiền thuê đất cao sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022. Công ty kỳ vọng sản lượng cao su tiêu thụ đạt hơn 7.053 tấn mủ thành phẩm các loại, giá bán bình quân 40,04 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức bình quân nửa đầu năm là 42,5 triệu đồng/tấn.
Trong quý II, công ty cũng đặt mục tiêu lãi trước thuế công ty mẹ 220 tỷ đồng nhưng kết quả đạt được gần 9 tỷ đồng, giảm 76% so với quý 2/2021. Nguyên nhân do sản lượng mủ thành phẩm tiêu thụ giảm, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm và lợi nhuận hoạt động khác giảm (cùng kỳ năm trước ghi nhận tiền thu nhập thanh lý vườn cây cao su).
Nửa đầu năm, công ty mẹ Cao su Phước Hòa đạt 849 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 35%; lãi trước thuế 311 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ; lãi sau thuế 249 tỷ đồng, gấp 4,3 lần nhờ nhần tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện khu công nghiệp VSIP 3.
Năm 2022, Cao su Phước Hòa lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ 2.252,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng; tăng lần lượt 26% và 50% năm 2021. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện 37,7% kế hoạch doanh thu và 33,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Chuyển động quỹ đầu tư.
Quỹ đầu tư hạ tầng Red One mua TED
Ngày 4/8, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One đã mua 664.050 cổ phiếu TED của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (Tedi – UPCoM:TED ). Theo đó, lượng sở hữu của quỹ tại doanh nghiệp này tăng từ 3,1 triệu cổ phần (tỷ lệ 24,8%) lên 3,8 triệu cổ phần (tỷ lệ 30,1%). Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch là 34.000 đồng/cp, Red One đã chi khoảng 22,6 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần trên.
Được biết, quỹ đầu tư hạ tầng Red One là đơn vị có liên quan của Uỷ viên HĐQT Đỗ Thị Phương Lan và Trưởng Ban kiểm soát Mạch Thanh Toàn. Trước đó, Red One trở thành cổ đông Tedi sau khi mua vào 3,1 triệu cổ phiếu ngày 19/5, qua đó nắm giữ 24,8% vốn điều lệ.
Cổ phiếu TED mới được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận giao dịch trên UPCoM từ ngày 10/5 với mức giá tham chiếu 30.000 đồng/cp. Mã này ghi nhận tăng kịch trần lên 42.000 đồng, tức tăng 12.000 đồng (40%) trong ngày đầu tiên giao dịch. Sau đó, TED tăng mạnh lên mức đỉnh 55.000 đồng/cp vào phiên 12/5 trước khi quay đầu sụt giảm gần 35% về mức giá 35.900 đồng/cp phiên giao dịch gần nhất 12/8.
Tedi tiền thân là Viện Thiết kế được thành lập vào ngày 27/12/1962 trên cơ sở hợp nhẩt Viện Thiết kế Thủy bộ và Viện Thiết kể Đường sắt. Đơn vị hoạt động dưới hình thức CTCP bắt đầu từ tháng 6/2014. Vốn điều lệ doanh nghiệp là 125 tỷ đồng, trong đó cổ đông nước ngoài là công ty Oriental Consultants Global Co. nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất với tỷ lệ 34,1%. Theo sau là CTCP đầu tư MHC – một cổ đông trong nước sở hữu 30,1% vốn điều lệ.
Tedi hoạt động trong mảng tư vấn xây dựng, thiết kế, giám sát, thẩm tra kỹ thuật có liên quan các công trình cầu, hầm đường bộ, công trình cảng – đường thủy, đường sắt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kiểm tra và phân tích kỹ thuật, thí nghiệm vật liệu xây dựng và các chỉ tiêu về địa chất, thủy văn, môi trường cũng như kiểm định chất lượng, thử tải các công trình giao thông, dân dụng, công nghiệp.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, Tedi ghi nhận 496,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 27,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 11,3% và 27,2% so với cùng kỳ.
Năm nay đơn vị đặt mục tiêu đạt 955 tỷ đồng tổng doanh thu và 42,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tương đương mức thực hiện năm 2021. Theo đó, sau nửa đầu năm, với tổng doanh thu 500 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 17,7 tỷ đồng, Tedi đã hoàn thành 52,3% chỉ tiêu doanh thu và 41,6% mục tiêu lợi nhuận.