Vinamilk tự nuôi bò, bán thịt từ năm 2024

Vinamilk tự nuôi bò, bán thịt từ năm 2024

Sản phẩm thịt bò tự nuôi của liên doanh Vinamilk – Sojitz Nhật Bản sẽ được bán ra thị trường dự kiến vào năm 2024.

Vinamilk hợp sức với Sojitz

Liên doanh Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngày 8/3 thông qua công ty con là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tập đoàn Sojitz Nhật Bản khởi công xây dựng Tổ hợp chăn nuôi – chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Dự án này là dự án đầu tiên trong kế hoạch đầu tư, hợp tác giữa 2 tập đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao – chăn nuôi và chế biến bò thịt. Tổng giá trị thỏa thuận hợp tác trị giá 500 triệu USD ký kết vào cuối năm 2021.

Dự án chăn nuôi – chế biến bò thịt của liên doanh Vinamilk – Sojitz theo kế hoạch có tổng diện tích 75,6 ha và vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, 1.670 tỷ đồng là vốn đầu tư riêng cho cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo.

Dự án chia thành 2 phân khu chính là trang trại chăn nuôi bò thịt (sức chứa 10.000 con) và nhà máy chế biến thịt bò mát (công suất 30.000 con/năm), tương đương với mức công suất 10.000 tấn thịt bò mát/năm.

Dự án theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Theo đó, sản phẩm thịt bò mát mang thương hiệu Vinabeef, được chế biến theo công nghệ Nhật Bản.

Đại diện Vinabeef cho biết, dù không phải đơn vị đầu tiên tham gia thị trường thịt bò thương hiệu tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp là đơn vị tiên phong trong việc đưa sản phẩm thịt bò quy trình 4 bước khép kín chăn nuôi – sản xuất – chế biến – phân phối ra thị trường.

Công ty đánh giá, phần lớn thị phần thịt bò hiện vẫn thuộc về các chợ truyền thống. Nhóm công ty thịt bò thương hiệu chỉ chiếm một phần nhỏ, đa số là thịt nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, mục tiêu trước mắt công ty đặt ra là đưa các sản phẩm bò thịt tự nuôi tại tổ hợp gia nhập thị trường.

Vinabeef hiện đã bán sản phẩm thịt bò ra thị trường. Tuy nhiên, loại bán là thịt nhập khẩu trực tiếp từ đối tác Nhật, mục đích chính là để thăm dò thị trường. Theo kế hoạch, 1-2 năm nữa, tổ hợp nhà máy chăn nuôi – chế biến thịt bò sẽ hoàn thành và sau đó sẽ có sản phẩm bò thịt tự nuôi bán ra thị trường.

Vị này chia sẻ thêm về kế hoạch phân phối với định hướng đa kênh thông qua các điểm bán của đối tác thứ ba. Công ty đồng thời cũng có kế hoạch mở chuỗi bán lẻ riêng sản phẩm nhưng sẽ chưa tập trung trong thời gian tới.

Vinamilk trước đó thông qua công ty con là Vilico, góp 51% vốn, tương đương 1.522 tỷ đồng vào liên doanh chăn nuôi và chế biến bò thịt Vinabeef. Tập đoàn Sojitz Nhật Bản góp 49% số vốn đầu tư còn lại.

Sản xuất thịt bò trở thành mảng tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng của Vinamilk

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa báo cáo phân tích năm 2022 cho thấy, theo nhận định của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, dù đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực nhưng Vinamilk sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng ở mảng sữa.

Sản xuất thịt bò khi đó sẽ được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng với tốc độ 2 con số từ trong giai đoạn 2023-2024. Mảng bò thịt trong năm đầu tiên đi vào hoạt động có thể sẽ mang về cho Vinamilk 2.000 tỷ đồng.

Vinamilk năm vừa qua dù vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng lãi ròng nhưng thực tết, lợi nhuận của nhà sản xuất sữa nước lớn nhất thị trường Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất 7 năm.

Doanh thu thuần của Vinamilk năm 2022 ghi nhận đạt 59.956 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái. Tuy nhiên, biên lãi gộp sụt giảm, các chi phí vận hành doanh nghiệp lại tăng khiến cho khoản lãi sau thuế giảm tới 19%, 8.578 tỷ đồng. Vinamilk với kết quả này chỉ hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận năm.

Exit mobile version