VN-Index điều chỉnh mạnh 57 điểm, điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam?

VN-Index điều chỉnh mạnh 57 điểm, điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán khởi động phiên đầu tiên của tuần mới với diễn biến không mấy tích cực. Càng về cuối phiên lực bán càng dồn dập khiến thị trường chung ghi nhận một phiên giảm mạnh. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 57 điểm về mốc 1.227, tương đương mức giảm 4,44%. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chạm đáy giữa tháng 5 vừa qua. Mức giảm này cho thấy tâm lý nhà đầu tư chuyển từ thận trọng sang trạng thái hoang mang trước nhiều diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán quốc tế.

Điểm sáng là thanh khoản thị trường tăng khá mạnh, giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 22.000 tỷ đồng. Xét về độ rộng thị trường phiên hôm nay có đến 919 mã giảm giá trong đó có 237 mã giảm sàn trong phiên, áp đảo hoàn toàn so với 108 mã tăng.

Tác nhân cho đà sâu của thị trường đó là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Kết phiên, VN-30 giảm đến 62 điểm, 29/30 cổ phiếu ghi nhận giảm, duy nhất POW giữ được sắc xanh trong nhóm này. Hàng loạt cổ phiếu “đầu tàu” như PNJ, BVH, GVR, TPB,CTG, SSI đồng loạt giảm sàn càng kéo chỉ số giảm sâu thêm.

Nhiều nhóm ngành cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh như Chứng khoán, Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ…, hàng loạt mã giảm sâu, thậm chí giảm sàn “trắng bên mua”.

Trong bức tranh bảng điện đỏ rực rỡ, nhóm cổ phiếu điện lại bất ngờ “phát sáng” khi tăng giá tích cực. POW tăng 1,7%, NT2 tăng 3%, BTP tăng nhẹ 0,3%. Đáng chú ý, POW đang là mã giữ vị trí số 1 toàn thị trường về thanh khoản trong phiên hôm nay với trên 40 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Bàn về diễn biến thị trường, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán quốc tế tác động tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi công bố số liệu lạm phát và chỉ số niềm tin tiêu dùng. Chốt phiên giao dịch 10/6, chỉ số DJIA mất 880 điểm, tương đương 2,73%, về 31.392 điểm. S&P 500 giảm gần 3%, còn Nasdaq Composite mất 3,52%.

Chứng khoán châu Á sáng nay cũng chìm trong sắc đỏ khi các thị trường chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sâu. Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản giảm gần 3%, chỉ số Kosdaq và Kospi của Hàn Quốc giảm 3-4%. Tại Trung Quốc, các chỉ số của sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều giao dịch dưới tham chiếu.

Thứ nhất, nguyên nhân đến từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi đón nhận thông tin cho thấy lạm phát tăng mạnh hơn dự báo và tâm lý tiêu dùng xuống mức thấp. Do đó, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến đà giảm của thị trường là mối lo ngại Fed sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đồng USD đã tăng trở lại gây ra áp lực về chỉ giá.

Thứ hai, lãi suất huy động cũng đã rục rịch tăng. Nhà đầu tư cũng lo ngại việc dòng tiền tìm đến những cơ hội đầu tư an toàn hơn trước những biến động của thị trường.

“Giai đoạn vừa qua chỉ là nhịp hồi của đợt sóng giảm mạnh trong thời gian qua. Những nhịp phục hồi mang tính nghi ngờ của thị trường. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Trong ngắn hạn, chỉ số xuyên thủng vùng 1.255 điểm trong phiên hôm nay nên khả năng cao VN-Index sẽ test lại vùng đáy cũ trong những phiên tới. Vì vậy, nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp và quan sát kỹ thị trường, do rủi ro trung hạn vẫn còn cao nên các nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên chiến lược phòng thủ”, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá.

Dưới góc nhìn dài hạn, Vinacapital cho rằng thị trường chứng khoán có thể gặp biến động trong 2 -3 tháng tiếp theo, song sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm nhờ niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tăng trưởng lợi nhuận của Việt Nam.

VinaCapital cho rằng có 4 diễn biến mới hiện đang hỗ trợ tâm lý của các nhà đầu tư trong nước gồm: (1) Thị trường nhận thức được làn sóng bán tháo do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc; (2) Việc Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khá; (3) Các diễn biến tích cực của nền kinh tế – bao gồm cả mức tăng kỷ lục của doanh số bán lẻ trong tháng 5; (4) Nhận thức ngày càng tăng rằng các sự kiện kinh tế toàn cầu hiện tại sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

https://cafef.vn/vn-index-dieu-chinh-manh-57-diem-dieu-gi-dang-xay-ra-voi-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-20220613152637237.chn

Exit mobile version