Sau chuỗi ngày “nắng hạn”, VN-Index đã được “tắm mát” với ba phiên tăng điểm liên tiếp. Ngay khi mở cửa, thị trường vẫn diễn ra theo chiều hướng tích cực khi nhiều cổ phiếu lớn duy trì đà tăng, kéo các chỉ số bứt phá tăng điểm.
Về cuối phiên, VN-Index ghi nhận những đợt rung lắc, biến động giằng co quanh ngưỡng kháng cự 1.270 điểm. Áp lực chốt lời cổ phiếu diễn ra mạnh cuối phiên chiều, đã có lúc chỉ số nhúng xuống dưới mốc 1.261 điểm. Song, những cổ phiếu trụ đỡ đã kéo chỉ số thoát khỏi đà giảm, giữ được sắc xanh vào cuối phiên.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều có sự phân hóa cao như ngành xây dựng, ngân hàng, bất động sản, cảng biển, bảo hiểm… Riêng nhóm chứng khoán và cổ phiếu ngành thép lại đồng thuận tăng tốt.
Sự tăng tốc của nhóm thép đã trở thành đầu tàu dẫn dắt, đưa chỉ số giành lại được những số điểm quý giá. Trong đó, SMC (+4,2%); HSG (+2,12%); VGS (+1,83%).. đều có mức tăng ổn định xuyên suốt. Đáng chú ý, mã được xem là có thông tin bất lợi sau ĐHCĐ là HPG (+0,58%) sau hai phiên điều chỉnh mạnh, hôm nay đã hồi phục khá tốt, nằm trong top 2 đóng góp tích cực cho VN-Index bên cạnh “đầu tàu” VHM.
Nhóm cổ phiếu thép – Bảng giá MBS
Nhóm dịch vụ tài chính cũng áp đảo với số mã tăng giá. Sắc xanh bao trùm trên nhóm chứng khoán trong đó nổi bật SBS (+4,6%); PSI (+5,38%); BVS (+3,23%),… Thậm chí, VIG (+9,46%) tăng hết biên độ. Nổi bật, SSI là mã được giao dịch với thanh khoản vượt trội nhất sàn với giá trị giao dịch trên 860 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu phân bón lại có sự giằng co giữa 2 sắc xanh và đỏ. Một bên là các cổ phiếu Mid Cap tăng trưởng tốt LAS (+7,69%); PMB (+2,11%); SFG (+1,94%);.. Trái lại, 2 “ông lớn” đầu ngành DCM và DPM lại giảm hơn 3% điểm.
Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu họ nhà FLC lại lau sàn hàng loạt. Đây là phản ứng dễ hiểu của NĐT trước quyết định của HOSE đưa cổ phiếu FLC, ROS, HAI từ diện “kiểm soát” sang diện “hạn chế giao dịch” từ ngày 1/6. Theo đó, 3 cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Rổ VN30 hôm nay kết phiên với 12 cổ phiếu tăng điểm, các mã cổ phiếu còn lại giao dịch lình xình tăng/ giảm với biên độ dưới 2%. Một số Bluechips như MSN, VPB, NVL hay GAS.. là những tác nhân chính gây nên sự kìm hãm cho chỉ số chính. Ngược lại, VHM, HPG, PLX, REE.. lại là những “công thần” kéo điểm cho VN-Index.
Đóng cửa phiên giao dịch có sự phân hóa giữa các sàn, chỉ số VN-Index tăng 0,14 điểm (+0,01%) lên 1.268,57 điểm, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%) lên 94,95 điểm. Trái lại, HNX-Index giảm 1,63 điểm (-0,52%) xuống 313,29 điểm. Thanh khoản trên HOSE không mấy vượt trội so với những phiên trước với tổng giá trị đạt 13.766 tỷ đồng.
Mới đây, qua trao đổi với ông Bùi Văn Huy – Giám đốc môi giới CTCK TP.HCM (HSC), chuyên gia đưa ra quan điểm xu hướng hiện tại sát với việc tạo nền ở đáy hơn là lên thẳng một mạch (đáy chữ V). Chuyên gia cũng cho rằng chỉ số VN-Index sẽ gặp áp lực nhiều hơn ở vùng quanh đường trung bình 20 ngày (MA20) quanh 1.270 đến 1.280 điểm và sẽ đi ngang tại vùng điểm này trong quý 2/2022 khi diễn biến tình hình thế giới duy trì ở mức độ như hiện tại.
Về phía NĐT nước ngoài, giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ khi họ bán ròng 342 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tại HoSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất 278 tỷ đồng với tổng khối lượng bán ròng lên đến 8 triệu đơn vị. Tại chiều bán, HPG vẫn là cái tên bị xả mạnh 103 tỷ đồng. Tại chiều mua, nhà đầu tư ngoại tập trung gom FUEVFVND với tổng giá trị mua ròng 209 tỷ đồng. Theo sau, khối ngoại cũng gom ròng DGC, VCI, GMD…
Trên HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 500 triệu đồng, tập trung xả CEO 2 tỷ đồng. NTP, PVS, HMH cũng là những cái tên bị bán ròng nhẹ dưới 1 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại gom dè dặt IDC 3 tỷ đồng; SHS, APS hay TNG.. cũng được gom ròng.
Trên sàn UpCOM, nhà đầu tư ngoại xả ròng khá mạnh 63 tỷ đồng. BSR tiếp tục là cái tên nằm trong top bán ròng trên UpCOM khi phiên hôm nay bị xả 47 tỷ đồng. Ngược lại, FOC và SIP lại là cổ phiếu được gom ròng nhẹ dưới 1 tỷ đồng của khối ngoại.
https://cafef.vn/vn-index-duy-tri-tang-phien-thu-3-lien-tiep-co-phieu-thep-va-chung-khoan-but-pha-20220526154438601.chn