Phân viện Blockchain và Tài sản số vừa được công bố thành lập, có nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao về ứng dụng công nghệ chuỗi khối – blockchain trong chuyển đổi số.
Theo đó, phân viện Blockchain và Tài sản số được thành lập bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Liên minh chuyển đổi số DTS, Học viện chuyển đổi số IM GROUP.
Ra đời với nhiệm vụ đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng blockchain, giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội dẫn đầu về ứng dụng blockchain trong chuyển đổi số.
Theo định hướng, Phân viện Blockchain và Tài sản số tập trung vào đào tạo các kiến thức bài bản và chính thống với mức độ từ cơ bản đến nâng cao về công nghệ blockchain, tài sản số. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực tế để có thể phát triển công nghệ blockchain theo thực tế nhu cầu doanh nghiệp mong muốn.
Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng bày tỏ kỳ vọng về việc, Phân viện Blockchain & Tài sản số sẽ có trách nhiệm giúp doanh nghiệp Việtt hiểu rõ về công nghệ blockchain, ứng dụng thực tiễn của nó trong kỷ nguyên số.
Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS chia sẻ, giá trị cốt lõi từ đầu Phân viện Blockchain & Tài sản số đặt ra là “Thực tế – Đồng hành – Đổi mới sáng tạo”. Toàn bộ học viên sẽ được tiếp cận mô hình học tập với 30% lý thuyết – 70% thực hành. Các CEO đã từng triển khai dự án ứng dụng blockchain sẽ giảng dạy trực tiếp.
Cũng theo ông Bảo chia sẻ, Việt Nam trong năm 2021 có nhiều dự án phát triển thành công bằng hình thức IDO trên các sàn quốc tế. Trong đó, có những doanh nghiệp, giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 100 triệu USD. Bởi thế, trong thời gian tới, Liên minh chuyển đổi số DTS tập trung xây dựng một hệ sinh thái xoay quanh blockchain cho doanh nghiệp, bằng cách là cung cấp kiến thức, mô hình, nguồn lực cho cộng đồng.
Giá trị cốt lõi của Phân viện Blockchain và Tài sản số
“Phân viện Blockchain và Tài sản số xác định giá trị cốt lõi ngay từ đầu là “Thực tế – Đồng hành – Đổi mới sáng tạo”, vì thế toàn bộ học viên tham gia các chương trình học sẽ được tiếp cận với mô hình huấn luyện với 30% lý thuyết và 70% thực hành; được giảng dạy trực tiếp từ các CEO đã triển khai những dự án ứng dụng blockchain. Học viên có được những cơ hội được cọ sát thực tế ngay tại lớp, tích lũy thêm kinh nghiệm phong phú cho bản thân xuyên suốt quá trình học”, ông Bảo chia sẻ thêm.
Phân viện Blockchain và Tài sản số sẽ đào tạo 6 bộ môn, gồm có: Pháp lý tài sản số; Quản trị tài sản số; Chiến lược đầu tư tài sản số; Giao dịch tài sản số; Blockchain quản trị nhân sự; Marketing tài sản số.
Ngoài ra, phân viện cũng đào tạo cho CEO hoặc chương trình kinh doanh trên hệ sinh thái sàn. Đội ngũ giảng viên và cố vấn sẽ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Được biết, đơn vị chủ quản của Phân viện Blockchain và Tài sản số – Học viện chuyển đổi số IM Group đã ký kết thỏa thuận với các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam như VNDC, KardiaChain, DEHR… về việc đồng hành cung cấp kiến thức thực tế, đồng thời cập nhật, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ học viên.
Cát Anh (T/h)