Công ty cổ phần VNG mới đây đã công bố kế hoạch doanh thu năm 2022 phá đỉnh mới, vượt mốc 10.000 tỷ đồng khi dự kiến10.178 tỷ đồng, lỗ dự kiến khoảng 311 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế công ty mẹ dự kiến khoảng 993 tỷ đồng.
Năm 2021, “kỳ lân” công nghệ này thu về 7.651 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020. Theo số liệu công bố trong báo cáo, các mảng kinh doanh chính như dịch vụ game, quảng cáo trực tuyến… đều ghi nhận mức tăng trưởng: mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu 1.001 tỷ đồng năm 2021, tăng 18 tỷ đồng so với năm trước. Ngoài ra, công ty còn có doanh thu từ mảng điện toán đám mây.
VNG tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế âm trong năm 2022. Năm 2021, “kỳ lân” này đặt kế hoạch lỗ sau thuế 619 tỷ đồng, dẫn đến lỗ sau thuế 71 tỷ đồng – khá ít so với dự kiến. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dương – đạt 414 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm 485 tỷ đồng, chủ yếu do khoản đầu tư vào Zion – chủ sở hữu của ZaloPay.
Tính đến cuối 2021, VNG sở hữu 60% cổ phần của Zion. Việc mất đi các cổ đông không kiểm soát tương ứng với 40% khoản lỗ năm 2021 của Zion với 1.236 tỷ đồng trong 2021, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Như vậy, nhiều khả năng việc VNG tiếp tục kế hoạch lỗ sau thuế là do đánh giá Zion có thể lỗ nặng hơn nữa. Tính đến quý I/2022, kỳ lân này sở hữu gần như 100% vốn tại hầu hết các công ty con, ngoại trừ Zion chỉ 62,3%.
Định giá phần lớn chênh lệch giữa LNST -311 tỷ đồng so với LNST của cổ đông mẹ +993 tỷ đồng, tương đương khoảng 38% khoản lỗ của Zion, ước tính năm 2022 đơn vị này sẽ lỗ kỷ lục với con số khoảng 3.400 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của kỳ lân này tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty là 4.930 tỷ đồng, chiếm 53% trong cơ cấu tài sản.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin VNG, một trong hai kỳ lân công nghệ Việt Nam cùng với VNLIFE lúc bấy giờ, đã tính đến việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập vào một SPAC. Thương vụ này có thể định giá kỳ lân đầu tiên của Việt Nam ở mức 2 – 3 tỷ USD. Theo Bloomberg, công ty đã lên kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017.
Danh mục đầu tư của VNG hiện khá phong phú, bao gồm Day One JSC (đơn vị sở hữu giải pháp quà tặng Got It), các trang thương mại điện tử Tiki, Telio, Haegin, Ecotruck liên quan đến giải pháp giao thông và sản xuất game Dorocat.
Ngoài ra, công ty đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies (hoạt động dưới tên Modalku tại Indonesia) – nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số lớn nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Đông Nam Á vào đầu năm nay. Vào tháng 2/2022, VNG cũng bắt tay với Do Ventures để rót 7 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group.