Vốn hóa VNG tăng gần gấp 3 sau 6 phiên giao dịch

VNG dự tính thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp

Sau 6 phiên cổ phiếu VNZ tăng trần liên tiếp, mỗi phiên có 100 cổ phiếu khớp lệnh, vốn hóa VNG đã tăng gần gấp 3, còn tài sản của CEO VNG cũng tăng chóng mặt.

Cổ phiếu VNZ tăng 6 phiên liên tiếp, vốn hóa VNG tăng gần gấp 3

Trong phiên sáng nay (8/2), VN-Index cho tín hiệu hồi phục từ đầu phiên và tạm kết phiên vẫn đạt được trạng thái tăng nhẹ 1,66 điểm tương ứng 0,16% lên 1.067,5 điểm. Dù vậy, sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường. Trên toàn thị trường có tới 462 mã giảm, 18 mã giảm sàn so với 230 mã tăng, 21 mã tăng trần.

Sàn UPCoM chiếm số lượng mã tăng trần chủ yếu khi có tới 10 mã tăng trần trên tổng số 89 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu VNZ của Tập đoàn VNG tiếp tục tăng trần lên thị giá 675.600 đồng. Phiên hôm nay mức biến động của mã cổ phiếu này là 88.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức 15%.

Sau 6 phiên tăng trần liên tiếp của VNZ, cổ phiếu này đã đi từ mức giá 240.000 đồng lên 675.600 đồng, tăng tới 181,5% (tăng 435.600 đồng/cổ phiếu). Mặc dù thanh khoản rất thấp, tổng giao dịch trong 6 phiên vừa qua chỉ loanh quanh ở mốc 100 cổ phiếu, tuy nhiên vốn hóa thị trường của VNG đã tăng vọt từ 6.896,6 tỷ đồng lên mức 19.414 tỷ đồng (tăng tương ứng 12.517 tỷ đồng).

Không những vậy, nhờ sở hữu hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ (tương ứng tỷ lệ 12,27%), tài sản của ông Lê Hồng Minh cũng tăng chóng mặt.

Đáng nói, mặc dù giá cổ phiếu VNZ tăng liên tục nhưng vẫn trong tình trạng tiết giảm cung. Ở thời điểm tạm đóng cửa phiên sáng nay, mã này chỉ khớp lệnh lô tối thiểu 100 cổ phiếu, dư mua giá trần 12.200 cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu VNZ trên sàn UpCOM (Ảnh: Trading view).

Có thể thấy, phía VNG sẽ phải giải trình với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về nguyên nhân tăng trần 5 phiên liên tiếp.

Hoạt động kinh doanh năm 2022 của công ty VNG

Công ty VNG do ông Lê Hồng Minh sáng lập, điều hành mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 5,8% lên 2.036,7 tỷ đồng; lỗ sau thuế 547,4 tỷ đồng, tăng so mức lỗ cùng kỳ là 267,6 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của VNG là 7.800,6 tỷ đồng; lỗ sau thuế lên tới 1.315,4 tỷ đồng, trong khi vào năm 2021, lỗ chỉ ở mức gần 71 tỷ đồng.

Tên ban đầu của VNG là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), được thành lập vào năm 2004 với vốn điều lệ là 15 tỷ đồng. Từ đầu năm nay, cổ phiếu của VNG bắt đầu giao dịch trên UPCoM.

Exit mobile version