Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022 vừa mới công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) cho thấy tham vọng về một sự bứt phá khi đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2021, tiền gửi khách hàng tăng gần 28%, và dư cấp nợ tín dụng tăng trưởng 35% so với năm 2021. Ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 80 nghìn tỷ đồng và mua Công ty Bảo hiểm Opes.
Dấu ấn thương vụ FE Credit đình đám năm 2021
Năm 2021, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi VPBank hoàn tất “thương vụ của năm 2021” chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản và một đối tác khác vào tháng 10/2021, xác lập kỷ lục thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam, đưa VPBank lên vị thế hàng đầu về quy mô vốn tự có và mức tăng trưởng vốn tự có cao nhất ngành ngân hàng trong năm qua.
Thương vụ đình đám đã đóng góp vào mức lợi nhuận kỷ lục gần 38 nghìn tỷ đồng của ngân hàng mẹ. Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 547 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2020 và là một trong 3 ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng quy mô.
Theo VPBank, kết quả này được đóng góp từ sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động tín dụng tăng 18,9% và nguồn tiền lớn thu được từ giao dịch thoái vốn tại FE Credit. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững vị trí số một khối ngân hàng tư nhân. Chi phí hoạt động tiếp tục được quản lý hiệu quả khi chỉ số CIR giảm hơn 5% xuống 24,2% cuối năm 2021 đã giúp VPBank trở thành ngân hàng có hiệu quả sử dụng chi phí tốt nhất trong hệ thống ngân hàng góp phần đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 14,4 nghìn tỷ đồng.
Đọc thêm: Xếp hạng vốn điều lệ và thu nhập của nhân viên ngân hàng thay đổi thế nào sau 10 năm?
Kế hoạch 2022 đầy tham vọng của VPBank
VPBank đánh giá ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong 2022 khi nhu cầu tín dụng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Lãi suất sẽ được giữ ở mức ổn định để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chính năm 2022
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng gần 107%. Ngân hàng cũng đặt kế hoạch tiền gửi khách hàng tăng gần 28%, và dư cấp nợ tín dụng tăng trưởng 35% so với năm 2021.
Về phân phối lợi nhuận, VPBank đề nghị cổ đông để lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối (21.258 tỷ đồng) để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng (gồm lợi nhuận sau thuế để lại năm 2021 và lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng công ty con trong năm 2021).
Kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ
VPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP (từ nguồn cổ phiếu quỹ) và kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VPBank là hơn 45.000 tỷ đồng. Theo tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, năm nay, VPBank sẽ tăng vốn thành 2 đợt.
Đợt 1, tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 50%. Tổng nguồn vốn dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ là 22.377 tỷ đồng. Dự kiến vốn điều lệ mới là 67.434 tỷ đồng.
Đợt 2, tăng vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ để nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến 1,19 tỷ cổ phiếu. Giá phát hành do HĐQT quyết định theo thỏa thuận giữa bên, thời gian phát hành năm 2022 sau khi các cơ quan quản lý chấp thuận. Vốn điều lệ mới dự kiến là 79.334 tỷ đồng.
Kế hoạch góp vốn, mua cổ phần
Ngoài ra, VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án góp vốn, mua trên 90% cổ phần Công ty cổ phần bảo hiểm Opes, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh bảo hiểm sức khẻo, tái bảo hiểm, quản lý quỹ và đầu tư vốn tại Việt Nam. Giá mua: dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của Công ty.
Bên cạnh đó, VPBank cũng dự kiến góp vốn bổ sung vào Công ty con là Công ty chứng khoán ASC (đã đổi tên thành VPBank Securities, tổng mức đầu tư, góp vốn tối đa vào Công ty là 15.000 tỷ đồng…