Vụ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm: Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng 3 bên

Công ty Bình Minh xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm 5.000 tỷ

Hợp đồng 3 bên đã được các doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm ký kết trong thời hạn 5 ngày theo quy định.

4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm ký hợp đồng 3 bên

Trong phiên đấu giá đất ngày 10/12 đã có 4 doanh nghiệp trúng thầu đất Thủ Thiêm. Cụ thể, Công ty Cổ phần Dream Republic mua lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2 với giá 3.820 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sheen Mega bỏ 4.000 tỷ đồng để mua lô đất 3-8 có diện tích 8.500 m2; lô đất 3-9 có diện tích 5.009 m2 thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh với giá 5.026 tỷ đồng.

Đặc biệt, lô đất 3-12 với diện tích 10.060 m2 được Công ty TNHH Đầu tư Ngôi sao Việt mua với giá 24.500 tỷ đồng, tính bình quân là 2,4 tỷ đồng/m2. Có thể thấy, từ 4 lô đất có tổng diện tích 30.015m2, tổng số tiền ngân sách Nhà nước thu được từ đợt đấu lên tới hơn 37.000 tỷ đồng.

Theo nguyên tắc, đấu giá thành công thì hợp đồng sẽ được ký kết 3 bên, gồm có người trúng đấu giá, đại diện sở hữu các lô đất là Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản, thuộc Sở Tư pháp TP.HCM.

Theo một nguồn tin của báo Dân trí, 4 công ty đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm đã tiến hành ký hợp đồng 3 bên vào hôm nay (17/12). Đại diện Tân Hoàng Minh cũng xác nhận với Zing và cho biết đã ký kết hợp đồng 3 bên. Như vậy, kể từ ngày đấu giá đất thành công (10/12), các doanh nghiệp đã hoàn tất việc ký hợp đồng trong vòng 5 ngày làm việc với cơ quan chức năng.

Quy chế đấu giá đất quy định, khi tham gia đấu giá đất, các doanh nghiệp phải nộp trước tiền đặt cọc, bằng 20% của giá khởi điểm. Dream Republic đã đặt cọc 116 tỷ đồng, Sheen Mega là 204 tỷ đồng, Bình Minh 204 tỷ đồng và Ngôi Sao Việt 588 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tham gia đấu giá và trúng lô đất 3-12 với mức giá 24.500 tỷ đồng (Ảnh: Việt Đức).

Kể từ ngày ký, trong 30 ngày, phía trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách Nhà nước theo mức giá đã trúng thầu. 60 ngày tiếp, bên trúng đấu giá thanh toán hết số tiền còn lại. Đồng nghĩa với việc, trong 90 ngày kể từ ngày đấu giá, các doanh nghiệp phải nộp đủ tiền đấu giá.

Nếu quá thời hạn, ngoài tiền mua tài sản, người trúng đấu giá còn phải thanh toán tiền chậm nộp theo quy định pháp luật.

Nếu quá thời hạn 180 ngày, người trúng đấu giá vẫn không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán và bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Đồng thời, người trúng đấu giá còn mất tiền cọc, số tiền này sẽ chuyển vào ngân sách Nhà nước.

Nhiều lo ngại về việc giá đất Thủ Thiêm tăng sốc

Nói thêm về lô đất 3-12 được Tân Hoàng Minh mua với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8 lần so với mức giá khởi điểm, đây là lô đất ký hiệu 3-12 thuộc một phần thửa số 2, tờ bản đồ số 64, bộ địa chính phường An Khánh, quận 2, nay là phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.

Mục đích sử dụng của lô đất này là đất ở tại đô thị có kết hợp chức năng thương mại – dịch vụ. Lô đất có thời hạn sử dụng là 50 năm đối với nhà đầu tư, tính từ thời điểm kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất được công nhận. Trong khi đó, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Tất nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều về mức giá gây sóng của lô đất Thủ Thiêm này. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, nó sẽ tác động đến tất cả phân khúc nhà ở trên thị trường theo quy tắc bình thông nhau. Trong đó, trước mắt, một mặt bằng giá mới sẽ được lập ra đối với giá bất động sản hạng sang và siêu sang. Tiếp đó, giá bán các phân khúc bất động sản cao- trung cấp cũng sẽ leo thang.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, bị ảnh hưởng nặng nhất là phân khúc nhà thương mại giá rẻ và các kế hoạch bình ổn thị trường nhà giá thấp. Giá đất tăng kỷ lục có thể khiến thị trường phân hóa mạnh, bỏ trống phân khúc nhà bình dân để chuyển sang nhà giá cao, tối ưu hóa lợi nhuận.

Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa bày tỏ quan ngại, giá đất tăng sốc gây áp lực lớn cho thị trường đầu tư. Xây loại hình bất động sản nào? khai thác, sử dụng như nào? Bán cho ai?… trở thành bài toán hóc búa khi quỹ đất lên đến hàng tỷ đồng/m2.

Xem thêm: Giá đất ở Thủ Thiêm tăng sốc 2,5 tỷ đồng/m2, chuyên gia nói gì?

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version