Vụ mua bán giấy nghỉ việc để trục lợi BHXH: Tạm giữ 18 người

Vụ mua bán giấy nghỉ việc để trục lợi BHXH: Tạm giữ 18 người

Liên quan đến mua bán giấy nghỉ việc với mục đích trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, 18 người là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, môi giới đã bị Công an Biên Hòa tạm giữ hình sự.

Tạm giữ 18 người để điều tra vụ mua giấy nghỉ việc

Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 2/6 cho biết, cơ quan công an đã ra quyết định tạm giữ hình sự 18 người để điều tra, làm rõ về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại các phòng khám ở TP Biên Hòa.

Trong số 18 người bị tạm giữ có 5 người là bác sĩ. Trong đó, 3 bác sĩ là Trưởng các phòng khám: Đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước. Một bác sĩ là Phó trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức; 1 bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức.

13 người bị tạm giữ còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế, môi giới thực hiện việc làm giả các loại giấy tờ liên quan.

Lộ đường dây làm giả giấy nghỉ việc

Trước đó, 2 người môi giới mua bán giấy nghỉ việc nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội bị Công an Biên Hòa bắt giữ. Cơ quan công an TP Biên Hòa cũng đã thực hiện khám xét 8 phòng khám, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố và thu giữ nhiều tài liệu quan trọng trong vụ án này.

Được biết, việc khám xét được Công an TP Biên Hòa thực hiện trong thời gian từ sáng 30/5 đến 14h cùng ngày với sự giám sát của đại diện VKSND cùng cấp.

Công an niêm phong CPU của một phòng khám.

Theo tìm hiểu, nhiều phòng khám thời gian qua xảy ra tình trạng xác nhận khống cho công nhân bị bệnh để họ được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, công nhân đã đến phòng khám “mua” giấy xác nhận bệnh để làm cơ sở gửi công ty, từ đó hưởng bảo hiểm xã hội chi trả 75% lương (bệnh thông thường).

Tối 30/5, một lãnh đạo Công an TP Biên Hòa thông tin, vụ án này có quy mô lớn, ước lượng có vài chục nghìn người mua “giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội”. Số tiền trục lợi bảo hiểm xã hội lên đến vài trăm tỷ đồng. 

Tối 30/5, Công an TP Biên Hòa đã triệu tập hơn 30 người để làm việc, từ đó lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.

Hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội là việc lợi dụng, gian lận hoặc gian dối để nhận được lợi ích từ hệ thống bảo hiểm xã hội mà không đúng quy định. Hành vi này là một hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Mỗi quốc gia sẽ quy định riêng về việc xử phạt đối với hành vi này.

Exit mobile version