Liên quan đến việc các tài khoản mạng xã hội xuyên tạc thông tin vụ nữ sinh trường HUFLIT bị hiếp dâm khi đi học quân sự, Chính ủy Quân khu 7 đề nghị Công an TP HCM khởi tố vụ án, làm rõ sai phạm.
Quân khu 7 đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc ở trường HUFLIT
Về vụ việc liên quan đến nữ sinh trường HUFLIT, VnExpress đưa tin, ngày 13/1, trung tướng Trần Hoài Trung, Chính uỷ Quân khu 7 cho biết đã thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan và chuyển cho đơn vị kỹ thuật an ninh mạng để điều tra.
Theo lời ông Trung: “Nhiều khả năng đây là chiến dịch truyền thông bẩn, do một số tổ chức phản động cố ý xuyên tạc thông tin, kích động và bôi nhọ lực lượng quân đội”.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PA05, Công an TP HCM) đã phối hợp với Quân khu 7 để xác minh động cơ, mục đích của những người đăng thông tin sai sự thật.
Theo chia sẻ của ông Trung: “Bước đầu xác định, thông tin giả được đăng nhiều tại các Fanpage Confession – một dạng chia sẻ nặc danh. Chủ những Fanpage này bị lợi dụng để đăng những thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm quản lý, không kiểm chứng mà đã đăng tải khiến thông tin lan truyền nhanh, gây hoang mang dư luận”.
Thông tin bịa đặt, được thêu dệt vì mục đích xấu
Trước đó, mạng xã hội vào tối 11/1 lan truyền thông tin nữ sinh trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM (HUFLIT) nghi bị hiếp dâm khi đang học quân sự ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh – Trường Quân sự Quân khu 7, có kèm theo clip.
Sau khi có văn bản khẳng định thông tin, clip lan truyền là sai sự thật, trường Quân sự Quân khu 7 cùng trường HUFLIT đã tổ chức họp báo vào chiều hôm qua (12/1).
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Đây là tin hoàn toàn bịa đặt, xuất phát từ một video mơ hồ được thêu dệt, diễn biến khó lường”.
Thông tin về vụ việc, Chủ nhiệm Trường Chính trị Quân khu 7 – Đại tá Nguyễn Tiến Sơn cho biết, tối 10/1, các bạn sinh viên chung phòng khoảng 18-20 người/phòng có xảy ra việc mất tiền nên nghi ngờ bạn nữ tên H.
Do bị gặng hỏi nên H. nghĩ mình bị nghi ngờ nên kích động tâm lý, la hét. Cán bộ đã đưa về phòng nhằm ổn định tâm lý. Đồng thời mời phụ huynh lên nắm tình hình, đưa con về nhà chăm sóc.
Một bạn nữ ở tòa nhà ở đối diện khi nghe tiếng la hét đã dùng điện thoại quay lại và chia sẻ clip. Sau đó, mạng xã hội lan truyền với nội dung thất thiệt vào tối 11/1. Sau đó, do thấy nội dung không đúng nên bạn nữ đăng clip đã đăng nội dung đính chính trên mạng xã hội.
Về 2 clip xuất hiện trên mạng xã hội, Đại tá Sơn nói, chỉ có một clip đang lan truyền trên mạng được quay tại trường đó là clip quay đối diện tòa nhà. Còn clip một người được nhóm người khiêng đi là không phải bối cảnh tại trường.