WTO thành lập nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp Mỹ – Trung

Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (DSB) đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp Mỹ- Trung để đánh giá sự tuân thủ của Trung Quốc đối với phán quyết năm 2019.

Nguồn: euractiv.com

Ngày 30/8, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về việc đánh giá việc Trung Quốc tuân thủ phán quyết về quy định hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Mỹ.

Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (DSB) đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp Mỹ – Trung để đánh giá sự tuân thủ của Trung Quốc đối với phán quyết năm 2019.

Động thái này đánh dấu bước phát triển mới nhất trong tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năm 2016, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã khiếu nại lên WTO về hạn ngạch thuế quan mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm gạo, lúa mì và ngô nhập khẩu từ Hoa Kỳ, cho rằng nước này đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với xuất khẩu ngũ cốc của Hoa Kỳ.

Tại thời điểm đó, Washington ước tính rằng nông dân Mỹ có thể xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ đô la ngũ cốc sang Trung Quốc nếu hệ thống hạn ngạch thuế quan (TRQ) được áp dụng phù hợp.

Sau đó, nhóm chuyên gia do DSB thành lập vào tháng 4/2019 đã nhất trí rằng Trung Quốc đã không tôn trọng các cam kết đã đưa ra khi gia nhập WTO vào năm 2001 để áp dụng các quy định về hạn ngạch thuế quan “trên cơ sở các nguyên tắc minh bạch, có thể dự đoán được và công bằng”.

Trung Quốc khẳng định họ hoàn toàn tuân thủ các phán quyết và khuyến nghị của DSB, nhưng Hoa Kỳ không chấp nhận và tháng trước cảnh báo rằng họ sẽ có hành động trả đũa.

Do đó, Bắc Kinh đã yêu cầu WTO giúp giải quyết vấn đề bằng cách thành lập một nhóm chuyên gia mới để đánh giá sự tuân thủ của Trung Quốc đối với phán quyết năm 2019.

Theo một quan chức thương mại ở Geneva, yêu cầu ban đầu của Bắc Kinh về việc thành lập hội đồng chuyên gia này đã bị WTO từ chối, nhưng yêu cầu thứ hai được đưa ra trong cuộc tham vấn của DSB vào ngày 30/8 đã được chấp thuận.

Đại diện của Mỹ hoan nghênh quyết định này, nói rằng Washington “sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để đạt được giải pháp về tranh chấp này.”

TRQ là một chế độ thuế quan hai bậc, kết hợp hai công cụ chính sách chung, hạn ngạch nhập khẩu và thuế quan, để điều tiết nhập khẩu.

TRQ cho phép áp dụng mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn đối với một lượng hàng hóa nhập khẩu nhất định và mức thuế suất cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vượt quá số lượng đó.

Trước đó, vào tháng 6/2021, WTO cũng thành lập nhóm chuyên gia giải quyết tranh châp giữa Trung Quốc và Úc.

Theo: Phương Oanh -Vietnam +

.

Exit mobile version