Xét xử đại án “Chuyến bay giải cứu” ngày thứ 2: Lời khai của người đưa hối lộ

Người dân có được trả tiền vụ chuyến bay giải cứu

Trong ngày thứ 2 xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”, Tổng giám đốc Công ty An Bình – Hoàng Diệu Mơ khai một số cán bộ Bộ Ngoại giao không “vòi tiền” nhưng đưa thì vẫn cầm.

Lời khai của các doanh nghiệp hối lộ tiền cán bộ Ngoại giao trong đại án chuyến bay giải cứu

Sáng 12/7 tiếp tục phiên xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”. Vụ án xảy ra khi Covid-19 bùng nổ vào năm 2020-2021, liên quan nhiều cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, UBND Hà Nội và Quảng Nam.

Bà Hoàng Diệu Mơ (43 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Thương mại Du lịch Hàng không An Bình bị cáo buộc có 41 lần đưa tiền cho 8 cựu quan chức, tổng 34,6 tỷ đồng, là người đưa hối lộ nhiều thứ hai trong vụ án.

Nữ tổng giám đốc và nhiều đại diện chủ doanh nghiệp trước đó khi khai về lý do đưa tiền đều cho rằng, dù đã nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay đúng thủ tục, tuy nhiên “không bao giờ được chấp thuận, bị gây khó khăn”. Do đó, bà Mơ cho hay đã chủ động tìm đến Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng để nhờ giúp đỡ. Sau đó, bà được ông Tô Anh Dũng giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để làm việc.

Tại tòa, bà Mơ cho hay: “Tại Bộ Ngoại giao không ai yêu cầu đưa tiền, song bị cáo nhận thức phải đưa để được chấp thuận và tạo điều kiện, cấp phép chuyến bay đúng thời gian”.

Theo xác định của cơ quan tố tụng, bà Mơ đưa ông Dũng tổng cộng 8,5 tỷ đồng, chia 8 lần, trong đó 6 lần tại phòng làm việc và 2 lần trước cổng Bộ Ngoại giao. Lần đầu, bà Mơ đưa ông Dũng 500 triệu đồng tại phòng làm việc ở bộ Ngoại giao. Theo lời bà Mơ, trong lần hối lộ này, “Anh Dũng bảo lần sau không được đưa tiền nữa, nhưng sau đó tôi đưa thì anh vẫn nhận”.

Tương tự, bà Mơ cho hay, Cụ trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là bà Hương Lan cũng vẫn nhận tiền dù “không đòi”. Bà nhận 11 lần, tổng cộng 13,2 tỷ đồng. Trong đó, 4 lần nhận khi bà làm Cục phó Lãnh sự. 7 lần còn lại khi đã lên Cục trưởng.

Bị cáo Hoàng Diệu Mơ (43 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Thương mại Du lịch Hàng không An Bình tại phiên tòa.

Cựu thứ trưởng Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với số tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng. Ông Dũng và gia đình sát ngày mở phiên tòa đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Theo cáo buộc, bà Lan nhận hối lộ nhiều thứ 3 trong vụ án. Từ cuối tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, bà nhận 25 tỷ đồng từ 8 doanh nghiệp. Quá trình điều tra, hầu hết bà Lan phủ nhận các cáo buộc, nói chỉ nhận túi quà gồm túi xách, mũ, giỏ hoa quả. Bà hiện đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.

Hôm qua và sáng nay, bà Lan là một trong ba người bị HĐXX cách ly với các bị cáo còn lại để đảm bảo xét hỏi khách quan.

Bà Mơ nói rằng, ngoài 2 quan chức Bộ Ngoại giao “không đòi tiền” thì cán bộ của các bộ ngành còn lại đều chủ động liên lạc, ra giá về việc cấp phép chuyến bay.

Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, mỗi người đều nhận của bà Mơ 5,1 tỷ đồng. Trong vụ án này, 2 cựu quan chức trên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, lần lượt là 42,6 và 27,3 tỷ đồng.

Khi bị chất vấn “đưa tiền để làm gì?”, bà Mơ nói: Nếu không đưa tiền sẽ không được cấp phép bay, hoặc nếu được, cũng không được cấp phép nhiều đến thế.

Lời khai của các giám đốc doanh nghiệp khác về việc hối lộ để được cấp phép

Giám đốc Công ty Nhật Minh, bị cáo Lê Văn Nghĩa cũng khai “chủ động đưa” tiền sau khi được cấp phép chuyến bay dù không bị nhóm cán bộ tại Bộ Ngoại giao làm khó.

Nghĩa chủ động liên hệ để đưa ông Tô Anh Dũng 40.000 USD, bà Hương Lan 20.000 USD, Đỗ Hoàng Tùng 40.500 USD. Nhưng quá trình làm hồ sơ, Nghĩa lại bị mắc ở Bộ Y tế và Bộ Công an bởi Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn “ra điều kiện chi tiền”.

Ảnh VnExpress

Theo lời bị cáo Nghĩa, ông Kiên và Tuấn nói mỗi chuyến bay được cấp phép “giá” 150 triệu đồng. Và Nghĩa đã phải chi cho Kiên 1,8 tỷ đồng, Tuấn 3 tỷ đồng.

Tương tự, Giám đốc Công ty ATA, bị cáo Nguyễn Tường Vy; bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife… đều thừa nhận việc “đi cửa sau” để được duyệt cấp phép chuyến bay

Theo xác định của VKSND Tối cao, tiêu cực xảy ra từ cuối năm 2020 khi thực hiện tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương trong Covid-19, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Quy trình là, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo sẽ phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Sau đó hồ sơ được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

Khoảng thời gian từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay đã phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với dân hồi hương giữa đại dịch.

Cơ quan chức năng xác định, 21 cựu quan chức nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỷ đồng. 54 bị cáo hiện đã nộp khắc phục khoảng 60 tỷ đồng.

Exit mobile version