Du lịch bị tác động nặng nề nhất từ đại dịch và nhất là trong đợt dịch lần thứ 4, cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng đi mới, “gượng dậy” sau chuỗi ngày khó khăn.
Du lịch phải thay đổi
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu nội địa đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Các địa phương đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch nội địa trở lại trong điều kiện bình thường mới từ tháng 11/2021. Cụ thể, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ), TPHCM (huyện Cần Giờ), Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch cho khách nội tỉnh cũng như khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tái khởi động lại, thu hút khách nội địa còn gặp khó khăn do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương nên vẫn còn sự thận trọng trong việc tái khởi động.
Do đó, để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh ở góc độ quản lý Nhà nước, phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế-xã hội của từng địa phương, góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, phải tập trung nghiên cứu, lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng.
Bộ đang tiếp cận theo hướng phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp phải thích ứng nhanh hơn
Để thích ứng với điều kiện bình thường mới sau khi mở cửa, các doanh nghiệp du lịch cũng thống nhất cho rằng, không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… sẵn sàng áp dụng điều kiện an toàn. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần có sản phẩm du lịch an toàn.
“Với du lịch nội địa sẽ có biện pháp thế nào, với du lịch liên vùng, liên tỉnh sẽ cần có biện pháp ra sao? Chúng ta phải có kịch bản riêng để bảo đảm an toàn về mặt thị trường, như vậy sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách”, ông Phùng Quang Thắng nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietravel cho rằng, về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi bởi nếu không có những giải pháp tổng thể thì rõ ràng, việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa mới ban hành cũng có đề cập đến vaccine là điều kiện tiên quyết, là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực.
Các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị đón khách trong điều kiện bình thường mới cũng chú trọng đến yếu tố thận trọng, an toàn. Theo bà Nguyễn Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Bộ tiêu chí gồm 3 lĩnh vực như: Đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Bộ tiêu chí bao gồm các tiêu chí đối với khách du lịch, đối với việc di chuyển, lưu trú, tham quan tại các điểm tham quan nhằm bảo đảm an toàn du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố an toàn trong du lịch là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì hành khách sẽ chỉ đi du lịch trong một điều kiện được bảo đảm an toàn. Khái niệm an toàn cũng cần được hiểu một cách linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đó là lý do ngành du lịch đã đưa ra 4 tiêu chí cho sự an toàn: Vaccine, 5K, công nghệ và truyền thông, những tiêu chí này tương đối phù hợp với tình hình hiện nay.