Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch về bình ổn thị trường và điều hành xăng dầu

Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch về bình ổn thị trường và điều hành xăng dầu

Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an hỗ trợ xác minh và điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã tới việc thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước.

Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch

Một số trang mạng của Việt Nam đã đăng tải loạt thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới công tác điều hành mặt hàng xăng dầu và bình ổn thị trường. Hiện Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an hỗ trợ xác minh và điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cho biết đã tích cực triển khai các biện pháp như: chỉ đạo bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu có hành vi “găm hàng, chờ tăng giá”. Đến nay nguồn cung xăng dầu cho thị trường luôn được bảo đảm.

Mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan.

Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường.Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp: Kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Hiện liên Bộ Công Thương – Tài Chính đã phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và thế giới trong từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm thực hiện hài hòa các mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô. 

Từ đầu năm đến nay, đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại, để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Exit mobile version