Xử lý những chiêu trò thổi giá cổ phiếu, kỳ vọng vào sự kiên quyết của Cơ quan quản lý?

ViMoney: Xử lý những chiêu trò thổi giá cổ phiếu, kỳ vọng vào các Cơ quan quản lý?

Nhiều năm qua, các “đội lái”, “cá mập” tung hoành lộ liễu với nhiều chiêu trò thổi giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán khiến các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý ở đâu. Vụ việc của bán chui gần 75 triệu cổ phiếu của Chủ tịch FLC vừa qua lại càng làm nóng lên dư luận.

Vấn nạn thổi giá cổ phiếu và chiêu trò đội lái

Bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng tồn tại cổ phiếu đầu cơ, “đội lái” – đó là quy luật tất yếu của thị trường, của một kênh đầu tư siêu lợi nhuận. Vấn đề quan trọng đối với cơ quan chức năng là phải có công cụ chính sách, lực lượng thanh tra, giám sát để chấn chỉnh, giữ kỷ cương và xử lý thật mạnh tay với các vi phạm.

ViMoney: Thổi giá cổ phiếu và vai trò của cơ quan quản lý - Trường hợp cổ phiếu FLC

Cổ phiếu FLC giảm sàn liên tiếp 3 phiên, mất thanh khoản khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng. Ảnh chụp màn hình

Tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… chỉ cần lãnh đạo công ty tung tin sai sự thật, không chính xác sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí còn bị cấm giao dịch và nặng hơn là khởi tố.

Ở Việt Nam, hơn 20 năm thành lập, thị trường chứng khoán vẫn còn quá hỗn loạn, thiếu quy củ. Kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế được các nhà đầu tư ví như “sới bạc”. Các đại biểu quốc hội không ít lần cũng đã lên tiếng ở giữa nghị trường. Từ hiện tượng “cổ phiếu trà đá”, “cổ phiếu rác” thanh khoản kém, doanh nghiệp làm ăn bết bát, chia cổ tức toàn “giấy”, nhưng bày ra các loại “bánh vẽ” để thu hút nhà đầu tư…

“Thậm chí, có những chiêu trò làm đẹp báo cáo tài chính, tăng vốn khủng trước khi lên sàn, tìm cách bán cổ phiếu cho đủ 100 nhà đầu tư để đưa cổ phiếu lên sàn. Sau những phiên chào sàn sôi động, khi đội lái biến mất thì cổ phiếu rớt thảm, làm mất tiền của hàng trăm nhà đầu tư…”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phản ánh trước Quốc hội vào năm 2019.

Mới đây, vào tháng 6/2021, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Tài chính, trong đó khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cần thanh tra toàn diện để xử lý triệt để thao túng giá, bán chui. Đó là những hành vi mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán.

Trên khắp các diễn đàn, nhà đầu tư cũng bức xúc vì tình trạng này kéo dài nhiều năm làm méo mó hoạt động của thị trường chứng khoán, gây ra tình trạng bất ổn, thiếu minh bạch, xói mòn mất niềm tin, phá hoại thị trường. Những kiến nghị, phản ánh đó trên thực tế chưa được xem xét, tiếp thu một cách nghiêm túc.

Từ hồi giữa năm 2021, thị trường chứng khoán nóng liên với hiện tượng các cổ phiếu “họ Louis” iên tục tăng trần, Louis Capital khẳng định không thao túng cổ phiếu. Đầu tháng 10/2021, đoàn kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Louis Capital, khi mà cổ phiếu họ Louis bị “đồn” là có dấu hiệu thao túng giá. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có những thông tin Louis Capital bị UBCKNN xử phạt về các nghĩa vụ công bố thông tin.

Xôn xao gần đây nhất là hành vi bán chui gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết vừa xảy ra ngày 10/1/2022. Trước đó, vào năm 2017, ông Quyết cũng đã bán chui 57 triệu cổ phiếu. Không chỉ ông Quyết, năm 2021, khi thị trường tăng mạnh, rất nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá được mệnh danh là cổ phiếu rác được thổi lên gấp hàng chục lần, nhưng thực tế doanh nghiệp thì kinh doanh thua lỗ, nợ nần, bết bát.

Nhà đầu tư bị xói món niềm tin bởi tình trạng bán chui, “thổi giá” ngọc thắng

Vai trò của cơ quan quản lý?

Vậy với hành vi này cơ quan chức năng xử lý như thế nào? Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), UBCKNN đã tăng cường triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch bất thường, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là giao dịch có dấu hiệu thao túng trong nă 2021 với 1 đoàn thanh tra định kỳ, 6 đoàn kiểm tra định kỳ và 31 đoàn kiểm tra đột xuất. Trong năm trước, UBCKNN đã ban hành tất cả 471 quyết định xử phạt hành chính, và đang phối hợp với Bộ Công an xử lý 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Khi nói về vụ ông Trịnh Văn Quyết, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đưa ra thông điệp sẽ xử lý triệt để ở mức cao nhất để siết chặt kỷ cương thị trường. Chiều 11/1, UBCKNN chỉ đạo HoSE hủy bỏ giao dịch bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết – một biện pháp chưa từng có tiền lệ tại thị trường chứng khoán Việt Nam và HoSE cũng như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phối hợp với các công ty chứng khoán thực hiện rà soát các tài khoản đối ứng mua vào cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết bán ra tại phiên 10/1 để hoàn tiền cho nhà đầu tư. Tài khoản chứng khoán của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng bị phong tỏa từ 11/1/2022. Những nỗ lực này bước đầu cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan quản lý.

Tất nhiên, kết quả của những tuyên bố đó như thế nào thì còn phải chờ thêm thời gian. Nhưng trong một thời gian rất dài, hiện tượng làm giá cổ phiếu, đội lái thao túng, bán chui… liên quan rất lớn đến vai trò của cơ quan quản lý.

Những năm gần đây, tất cả các giao dịch chứng khoán đa số đều được thực hiện trên tài khoản trực tuyến được liên thông giữa công ty chứng khoán, sở giao dịch, trung tâm lưu ký. Do vậy, việc kiểm tra dấu hiệu của một cổ phiếu bị làm giá không khó. Chỉ cần thanh tra vào cuộc kiểm tra tất cả các tài khoản giao dịch đứng tên ai, mua bán như thế nào, dòng tiền từ đâu ra, 1 nhóm người nào thực hiện… sẽ xác định được ngay.

Một nguyên nhân khác là mức phạt vi phạm quá nhẹ tay, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu không đủ sức răn đe, không làm cho đội lái chùn tay khi 1 vụ làm giá, số tiền thu lợi lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng.

Rõ ràng, hiện tượng thao túng, “thổi giá” cổ phiếu rác xuất phát từ nhiều nguyên nhân: lòng tham của nhà đầu tư, sự coi thường pháp luật của các đối tượng, đạo đức của các chủ doanh nghiệp, lỗ hổng từ luật… Nhưng trên hết, Bộ Tài chính, UBCKNN – có đầy đủ các cơ quan thanh tra, giám sát; được đầu tư đầy đủ về công nghệ, con người cần sớm quyết liệt vào cuộc, không để hiện tượng này tồn tại và tái diễn nhiều năm!

Nguồn: Vietstock, ViMoney tổng hợp

Exit mobile version