Sau nhiều năm đàm phán, Vĩnh Long – “vương quốc khoai lang” miền Tây đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch vào ngày 19/4.
Vĩnh Long xuất khẩu 28 tấn khoai chính ngạch sang Trung Quốc
Sáng 19/4, 28 tấn khoai lang của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Song Toàn Phát đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hai doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc là Công ty Vận chuyển Cát Tường Quảng Tây và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Quảng Tây Thịnh Hòa.
Theo tìm hiểu, chứng thư kiểm dịch thực vật sẽ được Cục Bảo vệ thực vật sẽ trao cho các cơ sở đóng gói, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liệt cho biết, huyện Bình Tân là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL. Diện tích trước đây của huyện này là hơn 10.000 hecta, có sản lượng trung bình đạt trên 300.000 tấn/năm.
Nơi đây, người trồng khoai lang đang chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện ghi chép sổ tay nhật ký đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Cơ hội để nâng tầm giá trị khoai lang trên thị trường quốc tế
Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau nhiều năm đàm phán đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang Trung Quốc vào ngày 22/11/2022.
Cánh đồng khoai tím ở Bình Tân (Vĩnh Long).
Việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững; tạo sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Cũng từ đó, nâng cao hiệu quả cũng như nâng tầm giá trị khoai lang của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vĩnh Long đến nay đã có 27 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp mã số xuất sang thị trường Trung Quốc. Theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Liệt, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cùng với đó là việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện.