Xuất khẩu tháng 10 ước đạt 27,3 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,89 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,41 tỷ USD, tăng 2%.

Tính chung kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1%, chiếm 74%.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 63%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Các vị trí tiếp theo thuộc về EU với 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%; ASEAN với 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt đạt 17,9 tỷ USD và 16,1 tỷ USD, tăng 11,2% và 2,2%.

Liên quan đến kim ngạch nhập khẩu, Tổng cục Thống kế cho biết, tháng 10/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, con số này ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 252,21 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỷ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 17,17 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,4%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản, lần lượt đạt 45,5 tỷ USD, 33 tỷ USD và 18 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD và 10 tháng nhập siêu 1,45 tỷ USD.

Như vậy, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để Việt Nam phục hồi sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp những hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nỗ lực để duy trì sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhịp độ sản xuất và xuất khẩu ở khu vực miền Bắc và miền Trung với những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đã được duy trì. Việc quyết tâm bảo đảm lưu thông hàng hóa ở các khâu cũng là yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu; các vấn đề ách tắc đã sớm được giải quyết, gỡ bỏ.


Exit mobile version