Xuất khẩu thủy tinh tăng 34% hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển

Tính trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh của Việt Nam đạt 747,86 triệu USD, tăng tới 34% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành công nghiệp thuỷ tinh và sản phẩm thuỷ tinh được nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển.

Xuất khẩu thủy tinh của Việt Nam tăng trưởng tốt

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại thuộc Bộ công thương, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh trong năm 2020 giảm so với năm 2019. Sang năm 2021, với tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ thủy tinh bắt đầu tăng trở lại. Đây cũng chính là lý do chính khiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh của Việt Nam tăng mạnh.

Số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh đạt 747,86 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020.

Về mặt thị trường, xuất khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tại các thị trường Đông Nam Á tiếp tục chiếm tỉ trọng cao trong 8 tháng đầu năm, đạt 490,5 triệu USD, tăng 22,5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong gian đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu tới khu vực này tăng trưởng bình quân 7%, với tỷ trọng chiếm 72,6% trong năm 2020, từ mức 58,9% trong năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Singapore và Malaysia. Trong năm 2020 tỷ trọng xuất khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm thuỷ tinh sang 2 thị trường này chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ mức 56,5% trong năm 2016.

Đáng chú ý, tỉ trọng xuất khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh có xu hướng tăng sang các thị trường nhập khẩu trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ và thị trường Đài Loan.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), giá trị nhập khẩu thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (mã HS 70) trên thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt bình quân 74,7 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 0,9%/năm. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng trị giá nhập khẩu thủy tinh trên toàn thế giới.

Việt Nam có lợi thế là đất nước có vùng nguyên liệu cát trắng với trữ lượng lớn trải dài từ Bắc tới Nam. Đây là điều kiện để các nhà máy sản xuất thuỷ tinh và sản phẩm thuỷ tinh lựa chọn vùng nguyên liệu và là thế mạnh trong sản xuất của ngành.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2011 – 2020, đã có một số dự án công nghệ cao đạt được thành công, đưa doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ cao tiên tiến trên thế giới. Điều này giúp thúc đẩy và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội theo hướng tích cực.

Mặc dù vậy, lĩnh vực phát triển chính của ngành công nghiệp thủy tinh và sản phẩm thuỷ tinh của Việt Nam vẫn đang tập trung ở các sản phẩm chiếu sáng, thuỷ tinh dân dụng, thủy tinh bao bì và một tỷ lệ rất nhỏ là thuỷ tinh dùng cách điện, điện tử và quang học.

Trong dài hạn, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại nhận định, ngành công nghiệp thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển bởi nhu cầu lớn từ thị trường khu vực và thế giới.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Exit mobile version