Xuất khẩu tôm tháng 10 tăng mạnh

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu tôm tháng 10 đã dần phục hồi và đạt 425,3 triệu USD. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu tôm tăng mạnh.

Dự báo xuất khẩu tôm tiếp tục tăng những tháng cuối năm

Tháng 8 và 9, xuất khẩu tôm giảm mạnh. Đến tháng 10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm đã dần phục hồi, đạt 425,3 triệu USD. Mặc dù giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng con số này được coi là tín hiệu phục hồi đáng mừng.

Điểm nhấn là xuất khẩu tôm đã tăng mạnh ở những thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc… Trong đó, xuất khẩu tôm tháng 10 của Việt Nam tại thị trường Mỹ đạt hơn 117 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 19%. Lũy kế 10 tháng tăng 22% so với cùng kỳ 2020, đạt 892,7 triệu USD.

Dự báo, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh do thị trường Mỹ đang cần nhiều tôm thịt tươi và động lạnh của Việt Nam.

Trong khi đó, tại thị trường EU, xuất khẩu tôm tháng 10 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 74 triệu USD. Lũy kế 10 tháng cũng tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 482 triệu USD.

Được biết, thị trường EU những tháng cuối năm hiện cũng khan hiếm hàng hóa. Chưa kể, dịch bệnh và cước vận chuyển gia tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ. Đây được cho là lợi thế đối với các nhà cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng tới.

Thị trường Trung Quốc gặp khó

Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm lại vẫn tiếp tục trên đà giảm. Xuất khẩu tôm trong tháng 10 tại thị trường này đạt 43,5 triệu USD. So với cùng kỳ đã giảm đến 36,5%. Lũy kế 10 tháng đạt 341,5 triệu USD, mức giảm là 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc đang bảo hộ hàng hóa nội địa, khuyến khích người sử dụng sản phẩm trong nước khi mà ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, đi xuống bởi dịch COVID-19.

Sản phẩm tôm cỡ lớn, tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam được thị trường Mỹ khá ưa chuộng. Theo dự báo của VASEP, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ vẫn trong trạng thái tích cực. Đà tăng trưởng này được dự đoán sẽ kéo dài đến quý I/2022.

Ngoài ra, theo VASEP, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lao dốc còn do chính sách kiểm dịch COVID-19 trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu chặt chẽ. Hoạt động thông quan vì thế bị đình trệ.

Việt Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội từ giữa tháng 9, các doanh nghiệp cũng bắt đầu từng bước khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều áp lực khi số ca nhiễm tại khu vực ĐBSCL có xu hướng tăng.

Theo quan điểm của VASEP, doanh nghiệp đang tìm cách chạy đua với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD. Bởi thế, rất cần Nhà nước phủ sóng vắc xin 2 mũi cho người lao động, đồng thời có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp sao cho nhanh chóng phục hồi công suất tối đa và tận dụng các cơ hội từ thị trường.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version