Yuanta Việt Nam: VN-Index hướng về vùng 1.550, lựa chọn cổ phiếu tiềm năng cho tháng 4?

Yuanta Việt Nam: VN-Index hướng về vùng 1.550 - 1.570 điểm, điểm tên loạt cổ phiếu nóng trong tháng 4 - Ảnh 1.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4/2022 với dự đoán VN-Index hướng về vùng 1.550 – 1.570 điểm, đồng thời đưa ra các cổ phiếu và nhóm ngành tiềm năng cho đầu tư.

Nền tảng vĩ mô

Về nền tảng vĩ mô, Yuanta Việt Nam cho rằng dù biến thể OMICRON xuất hiện từ đầu tháng 1/2022 gây những lo ngại tới nền kinh tế, tuy nhiên, nhờ các doanh nghiệp quen với việc sống chung cùng COVID và mức độ ảnh hưởng không quá lớn từ chủng OMICRON đã giữ đà hồi phục kinh tế quý 1/2022 với mức tăng trưởng 5.03%.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 3 tháng đầu năm 2022 giảm nhưng vốn giải ngân duy trì đà tăng trưởng cao 7,8% so với cùng kỳ. Trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp đã hồi phục rất tốt từ cuối năm 2021 tới nay thì lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã cho những tín hiệu khởi sắc trong 2 tháng gần đây nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng, hoạt động du lịch trong nước hồi phục mạnh sau khoảng thời gian dài hạn chế đi lại và việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đã bắt đầu từ giữa tháng 3.

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong thời gian tới ngoài đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, Yuanta cho rằng cốt lõi vẫn đến từ việc triển khai Chương trình hỗ trợ 350 nghìn tỷ, đặc biệt các dự án hạ tầng công mà theo kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4 hoặc tháng 5 tới. Yuanta điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6.29%, giảm so với mức dự báo 6,39% tại cuối năm 2021, sau những căng thẳng Nga-Ukcraine khiến giá cả hàng hóa nguyên liệu tăng cao và rủi ro gia tăng lạm phát, với kỳ vọng xung đột Nga-Ukraine sẽ không leo thang nhiều hơn nữa và tỷ lệ lạm phát ở mức 3.6%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong 2 tháng gần đây cũng như lạm phát gia tăng là hai yếu tố cần theo dõi hiện nay, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của Chính phủ và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng nền kinh tế khi giá cả hàng hóa tăng cao.

“Chúng tôi cho rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, ngoài do tác động vấn đề địa chính trị thế giới và yếu tố lạm phát, thì tăng trưởng tín dụng ở mức cao cũng khiến nhu cầu trái phiếu chính phủ thấp hơn”, báo cáo nêu.

Lịch sự kiện tháng 4. Nguồn Yuanta Việt Nam

Ngành bán lẻ hồi phục mạnh kỳ vọng vào du lịch

Tăng trưởng GDP quý 1/2022 đạt 5,03%, thấp hơn so với mức 5,22% của quý trước, tuy nhiên, đây là mức tăng tốt trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Trong đó, khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng tốt nhất (6,38%), đóng góp 51,08%. Ngoài ra, Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%; Khu vực Nông lâm ngư nghiệp tăng 2,45%, đóng góp 5,76% trong tổng quy mô GDP. Yuanta đánh giá mức độ hồi phục của khu  vực Dịch vụ trong 2 quý gần đây khá tốt và có thể sẽ còn duy trì đà tăng tốt từ khu vực này trong các quý tới, khi các hoạt động dịch vụ cũng như du lịch trở lại bình thường và sôi động hơn.

Tăng trưởng GDP trong quý 1 thông thường sẽ thấp hơn so với các quý còn lại của năm.

Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 3/2022 ước đạt 438 nghìn tỷ, tăng 9.4% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,7% so với cùng kỳ, nhóm dịch vụ lưu trú – ăn uống tăng +5,9% so với cùng kỳ. Điểm nhấn trong tháng 3 tiếp tục là nhóm dịch vụ lữ hành hồi phục mạnh 29,9% YoY và là mức tăng trưởng YoY tháng thứ 2 liên tiếp sau 22 tháng giảm. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ đạt 1.318 nghìn tỷ, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Trong tháng 3/2022, ngành bán lẻ đang tiếp tục đà hồi phục so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu khả quan trong tổng cầu của nền kinh tế. Yuanta đánh giá nhu cầu tiêu dùng trong tháng 3 cho thấy sự hồi phục tốt ở hầu hết các ngành hàng, trong khi trước đó, người dân đã có xu hướng tiêu dùng cho các dịch vụ ăn uống hơn các hàng hóa tiêu dùng khác và Yuanta đánh giá đây là một điểm tích cực. Đặc biệt ngành du lịch tiếp tục hồi phục mạnh sau khoảng thời gian dài người dân bị kìm nén nhu cầu do COVID, tiếp tục khẳng định nhu cầu du lịch từ trong nước vẫn mạnh, Việt Nam cũng đã bắt đầu mở cửa từng bước cho khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022, do đó, có thể kỳ vọng ngành du lịch hồi phục tích cực trong 2022.

Nguồn Yuanta Việt Nam

Định giá vẫn còn hấp dẫn, VN-Index hướng về vùng 1.550

Theo đó, các nhà phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng mức PE của VN-Index tại ngày 31/3 là 17,3, thấp nhất trong khu vực cho thấy định giá vẫn còn rất hấp dẫn và chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Về tình hình vĩ mô, phục hồi sản xuất sau giai đoạn hậu Covid-19, cùng với các gói kích thích kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói riêng. Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng bước vào mùa Đại hội cổ đông với nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021.

Yuanta Việt Nam cho rằng rủi ro địa chính trị giảm dần, cùng với đó tác động từ việc tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán, Yuanta kỳ vọng các rủi ro ngắn hạn sẽ thấp hơn so với tháng 3/2022.

“Chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index sẽ hướng về mức 1.550-1.570 điểm trong tháng 4/2022, tương ứng với mức P/E dự phóng là 18.x – Mức này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh cao nhất trong năm 2020 và 2021”, báo cáo nêu.

Nguồn Yuanta Việt Nam

Các nhóm ngành và cổ phiếu tiềm năng

Các ngành và nhóm cổ phiếu nổi bật mà Yuanta Việt “chọn mặt gửi vàng” trong tháng 4/2022.

Dịch vụ tài chính: VND, FTS, BCG, BSI.

Hóa chất: DPM, DGC, DCM, CSV, BFC.

Bán lẻ: PET, DGW, MWG.

Phần mềm và dịch vụ máy tính: SGT, FPT.

Xây dựng và VLXD: VGC, PC1, CTR, HBC, FCN. 

Nước và khí đốt: TDG, BWE, TDM. 

Exit mobile version