Zoomcar rời Việt Nam dù đã hòa vốn sau 1 năm hoạt động

Zoomcar rời Việt Nam dù đã hòa vốn sau 1 năm hoạt động

Zoomcar đã ngừng hoạt động chỉ sau khi tuyên bố nền tảng đã hòa vốn tại Việt Nam sau 1 năm hoạt động được vài tháng.

Zoomcar và những kỳ vọng

Ngày 23/5, Zoomcar – nền tảng cho thuê ôtô tự lái thông báo ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Lý do được đưa ra là điều kiện thị trường nói chung, ngành dịch vụ này nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí được dự báo là còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hãng vẫn cam kết hoàn thành các nghĩa vụ với tất cả khách hàng cũng như đối tác chủ xe, nhà cung cấp thời gian tới.

Việc Zoomcar thông báo rời khỏi Việt Nam được cho là khá bất ngờ. Bởi nền tảng này ra nhập thị trường Việt Nam từ 12/2021, tinh đến nay mới chỉ kéo dài 1,5 năm. Chưa kể đầu năm nay, Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam Phạm Lê Tuấn Kiệt khẳng định nền tảng gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

Nói một chút về Zoomcar, nền tảng có mô hình tượng tự một sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê ôtô tự lái, làm trung gian kết nối người thuê xe và chủ xe. So với những đơn vị truyền thống, ở Zoomcar, người dùng có thể chủ động lựa chọn loại xe mong muốn với thời gian thuê linh hoạt theo giờ, nhiều địa điểm nhận xe.

Toàn bộ xe tham gia nền tảng được trang bị hệ thống cảnh báo phát hiện bất thường khi vận hành nhằm đảm bảo chủ xe có thể kiểm soát xe từ xa, xe có thể tự tắt máy nếu phát hiện nghi ngờ. Người thuê xe có thể nhận hoặc trả xe qua ứng dụng, không cần gặp mặt chủ xe.

Đặc biệt, khách hàng có thể thuê xe không cần đặt cọc trước, không bị phụ thuộc vào các yêu cầu của chủ xe.

Trung bình, giá thuê xe tại Zoomcar cao hơn 15-20% so với tự thuê ngoài nhưng đổi lại phương tiện của các đối tác được hưởng chế độ bảo hiểm từ ứng dụng. Zoomcar khẳng định đảm bảo 100% quy trình hỗ trợ chủ xe và khách từ nguồn quỹ riêng nếu công ty bảo hiểm từ chối thanh toán.

Ông Tuấn Kiệt – CEO của Zoomcar

Chủ yếu nguồn thu của Zoomcar đến từ chiết khấu trung gian. Hãng này thu tới 40% hoa hồng đối với mỗi hợp đồng thuê. Nhưng hãng cũng có nhiều chính sách thưởng như giảm giá, hoàn tiền xăng nếu thừa.

Sau hơn một năm hoạt động, ông Tuấn Kiệt chia sẻ, nền tảng ghi nhận hơn 10.000 chuyến xe với sự tham gia của 3.000 chủ xe. Hồi đầu năm, ông từng tiết lộ đã “tăng 500% doanh số, 300% số chuyến xe, lượng đối tác cũng tăng 3 lần chỉ trong một năm”.

Trên truyền thông, Zoomcar cũng nhấn mạnh về việc đã đạt đến điểm hòa vốn. Theo dự báo, doanh thu đạt được trong năm nay thậm chí lên đến 80 triệu USD

Khó hiểu trước sự rời đi của Zoomcar

Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence đánh giá, năm 2021, thị trường cho thuê xe Việt Nam được định giá 463 triệu USD và dự kiến năm 2027 đạt 884 triệu USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 13,8%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Covid-19 khiến cho hành vi du lịch của người dân bị xáo trộn khiến mọi người dần ưu tiên di chuyển cá nhân hơn. Các doanh nghiệp cho thuê xe tận dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động khi mà dịch vụ cho thuê ôtô được đánh giá thuận tiện hơn so với việc gọi xe.

Về lâu dài, dịch vụ thuê xe cũng sẽ có chỗ đứng trong ngành vận tải đô thị trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Ngoài ra, thị trường đang có sự mở rộng đáng kể nhờ các khoản đầu tư thường xuyên rót vào ngành công nghệ.

Nhưng trong tuyên bố gửi đối tác và người dùng, Zoomcar vẫn nhiều lần nhấn mạnh về tình trạng khó khăn của thị trường nói chung cũng như ngành nói riêng đang gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của công ty.

Khi đến Việt Nam, Zoomcar đánh giá tỷ lệ sở hữu xe ô tô của người dân ở TP HCM là 23 xe/1000 dân, khá thấp với tỷ lệ trung bình khu vực. Thế nhưng, chỉ có 3% dân số tại đây sở hữu bằng B1, B2 và đây trở thành thách thức đối với nền tảng này.

Giai đoạn đầu, Zoomcar đốt tiền cho hoạt động khuyến mãi, ưu đãi để thu hút người dùng. Công ty đồng thời triển khai chương trình giao xe thuê đến tận vị trí của khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhưng, Zoomcar xuất hiện khá mờ nhạt trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Fanpage chính thức của nền tảng chỉ có gần 6.000 người theo dõi, trong khi lượng tương tác rất hạn chế.

Chưa kể, nền tảng này còn chịu sự cạnh tranh từ rất nhiều đối thủ như Mioto (Công ty CP Mioto Asia), XeGo (Công ty CP FastGo Việt Nam), hay Enterprise (MP Executives nhượng quyền) hay mới đây nhất là Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).

Exit mobile version