Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi từ tháng 5/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng diễn biến rất phức tạp, ở mức nguy cơ rất cao, kéo dài. Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và phải giãn cách xã hội ở mức độ cao.
Khách du lịch Đà Nẵng giảm 48,4%
Theo báo cáo của TP. Đà Nẵng, ảnh hưởng của dịch bệnh từ tháng 5/2021 đã kéo nền kinh tế Thành phố giảm sút mạnh (GRDP 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng -1,25% so với cùng kỳ năm 2020), nhất là khu vực dịch vụ.
Lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng phải tạm dừng hoạt động. 9 tháng đầu năm 2021, số lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,06 triệu lượt, giảm 48,4% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành 9 tháng ước đạt 1.880 tỷ đồng, giảm 36,9%.
Sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường nội địa yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp Thành phố lũy kế 9 tháng ước giảm 4,16% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND Thành phố giao. Trong đó, thu nội địa đạt 11.430,4 tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán; thu tiền sử dụng đất 1.115,1 tỷ đồng, đạt 33,8% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 3.597,9 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán.
Tính đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 3.500 tỷ đồng; đạt 36,7% kế hoạch Thành phố, 50,5% kế hoạch Trung ương giao.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 978 triệu USD, tăng 13%. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD, đạt 60% kế hoạch, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt được một số kết quả. Đến nay, Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 2.372 tỷ đồng; cấp mới 29 dự án FDI với tổng vốn 149,135 triệu USD.
Nhiều lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng do tác động của đại dịch; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể (từ đầu năm đến tháng 9/2021 đã có 542 doanh nghiệp giải thể và 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động).
Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng; an sinh xã hội phát sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Thu ngân sách chưa đạt tiến độ theo kế hoạch. Tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.
Đã cam kết phải khẩn trương thực hiện
Tại Hội nghị lần thứ 5 đánh giá tình hình các mặt công tác quý III và 9 tháng; bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2021, cho ý kiến chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cấp, ngành khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phục hồi KTXH trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 để ban hành, triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo khôi phục và phát triển KTXH trong bối cảnh dịch COVID-19.
“Sớm ban hành và đưa vào triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung cải cách các thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản…, tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch. Khẩn trương thực hiện các cam kết của lãnh đạo Thành phố đối với doanh nghiệp tại Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp năm 2021”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp về giải ngân vốn đầu tư công; lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các trình tự thủ tục, xác định rõ lộ trình thực hiện, như dự án cảng Liên Chiểu, dự án Làng Vân… để có thể khởi công trong năm 2022.
Đặc biệt, làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; trong đó, xem xét mở rộng đối tượng, nhất là những gia đình có người mất do dịch bệnh COVID-19, người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn theo chủ trương của Trung ương và Thành phố.
Thực hiện các giải pháp duy trì và giải quyết việc làm, chú trọng hỗ trợ, đào tạo, tuyển dụng bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.