Nguyễn Thanh Minh – TGĐ công ty Onesecond Việt Nam – đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện tại tại Việt Nam về Lập Kế hoạch Tài chính đã đưa ra giải pháp tiết kiệm cho mọi người dù mức thu nhập là bao nhiêu.
Việc tiết kiệm chỉ dành cho những người dư dả? Không phải vậy. Đây là hoạt động dành cho bất cứ ai. Bởi bản chất của tiết kiệm chính là dự phòng và lo cho tương lai. Hiện nay, lạm phát mỗi năm (khoảng 4%). Chúng ta nếu chỉ để tiền đứng im hoặc không tiết kiệm đồng nghĩa với việc chúng đã chạy chậm hơn so với chi phí sinh hoạt hàng năm. Do đó, việc tiết kiệm do đó là bắt buộc.
Thu không đủ chi thì làm sao để tiết kiệm?
Để tiết kiệm, chúng ta phải thực sự hiểu lý do mình bắt buộc phải tiết kiệm? Bạn thấy đấy, có những vấn đề chúng ta không thể kiểm soát được như: Lạm phát, đau ốm, bệnh tật, có con cái hay người phụ thuộc, chưa kể lạm phát khiến cho lương hưu so với nhu cầu ăn ở sau này khi về già sẽ vênh nhau rất nhiều. Do đó, dù thu nhập thấp hay cao chúng ta đều phải tiết kiệm.
Khi chưa nhận thức được sự quan trọng của việc tiết kiệm, nhiều người sẽ không có tư tưởng tiết kiệm, hình thành nên suy nghĩ bản thân không thể tiết kiệm được. Nhưng khi hiểu được rằng, việc không tiết kiệm sẽ khiến bạn không chống đỡ nổi nếu những biến cố trong cuộc sống ập đến hay sẽ có một tuổi già cơ cực… sẽ giúp họ tự hình thành nên thói quen này.
Thu nhập không ai là quá thấp để không thể tiết kiệm. Nhiều người cho rằng những chi phí sinh hoạt bình thường chưa đảm bảo thì làm sao có thể tiết kiệm. Chuyên gia Nguyễn Thanh Minh cho rằng, đó là do góc nhìn cá nhân mỗi người. Nếu thực sự trấn tĩnh, chúng ta có thể cắt giảm nhiều thứ mà vẫn đảm bảo được cuộc sống.
Điều đầu tiên, mọi người hãy xem xét lại những khoản chi tiêu của mình. Cái gì thực sự cần thiết và cái gì không? Những sản phẩm nào có thể thay thế sản phẩm nào với chi phí thấp hơn… Bạn chắc chắn sẽ đưa ra được một phương án tối ưu nhất trong việc tiết kiệm.
Cơ cấu chi tiêu thông thường chia làm 3 phần: Chi phí cho nhu cầu thiết yếu, chi phí cho nhu cầu mong muốn và tiết kiệm.
Khoản đầu tiên có thể cắt giảm chính là chi phí cho nhu cầu mong muốn, ví dụ như việc ăn ngoài, hoạt động giải trí (xem phim, uống café)… Vấn đề là chúng ta có dám thẳng tay cắt giảm những nhu cầu đó không hay vẫn muốn coi nó là nhu cầu thiết yếu? Nếu làm được, các bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tương đối mỗi tháng. Nếu chúng ta không chấp nhận đánh đổi những khoản chi tiêu trong hiện tại thì chúng ta sẽ không có được những khoản tiết kiệm trong tương lai.
Trong chi tiêu có một quan điểm tiêu tốn của chúng ta khá nhiều tiền. Đó là việc chúng ta tiêu 1 lần một triệu thì nghĩ rằng to nhưng khi chúng ta tiêu 1-200 nghìn hay 50 nghìn lại thấy nó rất là nhỏ nên tặc lưỡi cho qua. Những mỗi lần tặc lưỡi như vậy thì sau 1 tháng, có thể chúng ta cũng sẽ bỏ vào đấy vài triệu đồng.
Những lần tặc lưỡi đó chẳng qua chúng ta muốn thỏa mãn cảm xúc khi ấy, đồng nghĩa với những lần chúng ta không có bất cứ kế hoạch nào. Tuy nhiên, ai cũng cần phải có một giới hạn nhất định cho khoản chi tiêu mong muốn. Đó là cách để chúng ta đưa bản thân vào kỷ luật, tạo ra khoản tiết kiệm nhiều hơn trong phần chi tiêu cho mong muốn. Cái phần chi tiêu cho mong muốn là có thì sẽ vui hơn, không có cũng không chết được. Nên nếu muốn tiết kiệm, hãy bắt đầu từ phần này.
Nếu chúng ta đã tiết kiệm phần chi tiêu cho mong muốn rồi mà vẫn không thể tiết kiệm được thì hãy nghĩ đến việc cắt giảm chi tiêu cho thiết yếu.
Không nhập nhằng giữa các khoản chi tiêu
Có một số khoản chi tiêu nhập nhèm giữa chi tiêu mong muốn và chi tiêu thiết yếu. Ví dụ, mạng internet. Nếu không có internet, chúng ta không thể chết được (Trừ trường hợp bạn phải làm việc ở nhà). Hay như chi phí ăn cũng vậy. Nếu có thể bóc tách ra, bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được thêm 1 khoản.
Các khoản chi tiêu thiết yếu không thể cắt như: Điện, nước. Tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện tiết kiệm bằng việc sử dụng quạt thay vì điều hòa trong những ngày thời tiết không quá nóng nực. Hay đồ ăn, bạn hoàn toàn có thể thay đổi khẩu phần ăn của thực phẩm, thay vì ăn nhiều hải sản, thịt bò, bạn có thể lựa chọn đồ ăn khác giá thành tốt hơn.
Tiền thuê nhà, chung cư: Nhiều người nghĩ rằng mình phải thuê một căn phòng đầy đủ tiện nghi để gia đình sinh sống. Nhưng để tiết kiệm, bạn hoàn toàn có thể thuê một căn phòng cấp 4, tự mình sơn sửa lại, đàm phán với chủ nhà thì mức thuê có thể sẽ giảm bớt được 1 nửa so với giá của một căn chung cư.
Tiền học cho con: Nhiều gia đình hiện nay chi tương đối nhiều tiền vào việc học cho con cái, từ học thêm, học ngoại khóa, học năng khiếu… Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi việc chi tiêu đó có cần thiết hay trở thành gánh nặng cho bản thân và đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái, gây áp lực cho chúng.
Đóng bảo hiểm định kỳ là một trong những chi tiêu thiết yếu để tạo ra một cái quỹ dự phòng cho các rủi ro liên quan đến sức khỏe, tai nạn. Có 2 loại, bảo hiểm y tế (Nhà nước) hoặc bảo hiểm thương mại. Nếu các bạn có con cái, thu nhập tốt, bạn nên có bảo hiểm nhân thọ.
Nhưng nếu không thì hãy nói không với bảo hiểm nhân thọ để chúng không trở thành gánh nặng. Hoặc bạn có thể xem xét phương bán mua bảo hiểm phi nhân thọ với mức chi phí từ 2-3 triệu/năm để phòng cho những rủi ro có thể gặp phải trong cuộc sống – thứ có thế khiến tài chính của bạn kiệt quệ một cách nhanh chóng.