Thị trường chứng khoán đi ngang trong tuần giao dịch từ 30/5-3/6, trong đó, VN-Index có tuần hồi phục thứ ba liên tiếp khi tăng 2,53 điểm (0,2%) so với tuần trước đó lên mức 1.287,98 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,22%) xuống 310,48 điểm, tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 1,12 điểm (-1,18%) xuống 94,17 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân đạt 18.727 tỷ đồng/phiên, tăng 8,2% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân riêng sàn HoSE đạt 16.321 tỷ đồng/phiên, tăng 1,7%.
Tại nhóm cổ phiếu lớn sự phân hóa ra diễn ra rõ nét, trong đó, các mã thuộc ngành dầu khí biến động tích cực. BSR của Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tăng đến hơn 15% và GAS của PV GAS (HoSE: GAS) cũng tăng gần 13%. Tiếp sau đó, MWG của Đầu tư thế giới di dộng (HoSE: MWG) đứng thứ 3 trong danh sách tăng giá ở top 30 vốn hóa với 4,4%.
Ở chiều ngược lại, HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) tiếp tục gây thất vọng khi giảm 5,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây doanh nghiệp này thông báo ngày 20/6 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021. Doanh nghiệp sẽ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng và trả cổ phiếu tỷ lệ 30%, 10 cổ phiếu cũ sẽ nhận 3 cổ phiếu phiếu mới.
Cổ phiếu VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) cũng giảm 4,6% từ mức 31.610 đồng/cp xuống còn 30.155 đồng/cp.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về YEG của Tập đoàn Yeah1 ( HoSE: YEG ) với 31,7%. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, HĐQT Tập đoàn Yeah1 trình kế hoạch kinh doanh năm nay gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%. Mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Tập đoàn Yeah1 đã thoái hơn 4 triệu cổ phiếu YEG theo phương thức giao dịch thỏa thuận/khớp lệnh trong ngày 1/6. Trước đó, ngày 26/5, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát thông báo đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu YEG, giảm sở hữu xuống 262.624 đơn vị, tỷ lệ giảm từ 13,98% xuống 0,84%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Hai cổ phiếu khác ở sàn HoSE cũng tăng trên 20% là TNC của Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC) và TMT của Ô tô TMT (HoSE: TMT).
Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là HPM của Khoáng sản Hoàng Phúc (HNX: HPM) với 30,5%. Hai cổ phiếu tiếp theo là L61 của Lilama 69-1 (HNX: L61) và PSC của Vận tải Petrolimex SG (HNX: PSC) với mức tăng lần lượt 25,3% và 22%. Tuy nhiên, điểm chung của cả 3 cổ phiếu trên là thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ hơn 100 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường thuộc về CCV của Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (UPCoM: CCV) với 112% từ chỉ 17.500 đồng/cp lên 37.100 đồng/cp. Dù vậy, CCV cũng nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Trong tuần qua, cổ phiếu này khi có 4 phiên giao dịch và khớp lệnh 100 đơn vị/phiên.
Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn UPCoM đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE trong tuần qua với 14,7%. Mới đây, Louis Holdings, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Mai Long, Chủ tịch HĐQT Louis Capital đăng ký bán 760.000 cổ phiếu TGG. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/5 đến ngày 24/6, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Nếu giao dịch thành công, Louis Holdings sẽ giảm sở hữu tại TGG từ hơn 7,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 27,84% xuống còn hơn 6,83 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 25,02%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như TDH của Thủ Đức House (HoSE: TDH), DLG của Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG), DRH của DRH Holdings (HoSE: DRH) hay LDG của Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đều nằm trong danh sách giảm giá mạnh ở sàn HoSE.
Tại sàn HNX, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là VDL của Thực phẩm Lâm Đồng (HNX: VDL) với gần 25%. Tiếp sau đó, THD của Thaiholdings (HNX: THD) tiếp tục giảm 22,3% chỉ sau một tuần giao dịch. Ông Nguyễn Đức Thụy vừa đăng ký bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu, tương đương 24,97% vốn của THD. Thời gian giao dịch từ 1/6 đến 30/6. Phương thức thực hiện có thể khớp lệnh hoặc thỏa thuận, mục đích giao dịch là cơ cấu danh mục đầu tư.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Ở sàn UPCoM, đa số các cổ phiếu giảm mạnh đều có thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về BMN của Công ty 715 ( UPCoM: BMN ) với gần 40%. Tuy nhiên, BMN chỉ có duy nhất một phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh vào 1/6 với 300 đơn vị, trước đó, cổ phiếu này đã không có giao dịch khớp lệnh trong 36 phiên liên tiếp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.