Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Sụt giảm nghiêm trọng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Theo đó, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.
Trong tháng 9, số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 08/2021. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp giảm 62,2%, số vốn đăng ký giảm 69,3% và số lao động giảm 39,9%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 16 tỷ đồng, tăng 35,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020. Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên thị trường trong 9 tháng là 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân có 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới/tháng.
Trong tháng 9 có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,2% so với tháng trước và giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, 2.509 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 606 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trung bình 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường/tháng
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021 có 45,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo điều tra, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2021 có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021. Ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ này lần lượt là 71,8% và 68,8%.
Cát Anh