Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đại dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm theo hướng tiêu cực.
Lao động thất nghiệp có xu hướng tăng
Theo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, lực lượng lao động trong quý II/2021 đạt 51,1 triệu người, tăng hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 304.000 người so với cùng kỳ năm 2019 – thời kỳ chưa có dịch bệnh.
Lao động có việc làm bị giảm, xuống chỉ còn 49,9 triệu người trong quý II/2021, thấp hơn 500.000 người so với cùng kỳ 2019. Số người thất nghiệp gia tăng trong quý II đạt 1,2 triệu người tăng hơn 0,2% so với quý I và 1,46% so với cùng kỳ 2019.
Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Trong “tâm dịch” hồi tháng, Bắc Giang có 150.00 lao động phải tạm ngừng việc, tương tự, Bắc Ninh có hơn 42.000 người. Tính đến tháng 8, TPHCM có hơn 125.000 công nhân mất việc, 590.000 lao động tự do, hộ kinh doanh cũng gặp khó, phải hỗ trợ khẩn cấp. Bình Dương có 28.000 trên tổng số 1,2 triệu công nhân mất việc. Hà Nội, trong quý II, ước tính có khoảng 180.000 lao động bị ngừng việc.
Cục Việc làm cho biết, theo thống kê nhanh của các Sở LĐ-TB&XH địa phương, nhu cầu lao động trở về quê ngày càng cao, hiện có khoảng 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương khi rời bỏ các địa phương, trung tâm công nghiệp có dịch.
Khoảng 100.000 công nhân ở các tỉnh thành “điểm nóng Covid-19” phía Nam, với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ lây nhiễm virus nên nhiều người lao động đã tự phát “ồ ạt” về quê bằng các phương tiện cá nhân.
Cuối tháng 7/2021, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung còn nêu con số tỷ lệ thất nghiệp đã tới mức 2,52%. Cũng theo Bộ trưởng, chỉ trong khoảng 2 tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 9,1 triệu người lao động đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 540.000 người rơi vào tình trạng mất, thiếu việc làm.
Có việc làm cũng khó khăn
Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong tháng 8/2021 cho thấy, không chỉ những người mất việc làm, mà ngay cả NLĐ đang có việc làm cũng chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Theo đó, trong số 26.378 người tham gia khảo sát trả lời đang có việc, thì 42% cho biết hình thức làm việc của họ hoàn toàn là online và gần 29% trả lời đang làm việc với hình thức 50% thời gian online và 50% thời gian tại công sở. Gần 15% cho biết họ làm việc 100% thời gian tại nơi làm việc. Trong số NLĐ đang có việc làm, chỉ 7% làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”.
Về vấn đề tiền lương, 45% cho biết tiền lương của họ giữ nguyên. Số lao động trả lời được tăng lương chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,4%). Gần 19% cho biết họ có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%. Bên cạnh đó, 13,6% lao động đang có việc trả lời tiền lương của họ bị giảm 20% và lý do này tập trung vào nhóm lao động đang duy trì làm việc online. Số lao động có việc làm nhưng lương giảm tới 80% hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng chiếm tỷ lệ tương ứng lần lượt là 4,5% và 11,7%.
Tổng hợp kiến nghị của nhóm NLĐ đang có việc làm, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, NLĐ đề xuất rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách; có chính sách linh hoạt và dễ tiếp cận hơn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương; quản lý tốt việc phân bổ quỹ hỗ trợ, đảm bảo công bằng, tránh bị tham nhũng, thất thoát. NLĐ cũng cho rằng, cơ quan nhà nước và DN cần cùng nhau có kế hoạch hỗ trợ tức thời cho NLĐ đang bị tạm ngưng hoặc mất việc để họ yên tâm thực hiện giãn cách.
Bên cạnh đó, cần cơ cơ chế hỗ trợ tiền mặt cho các cá nhân mất việc làm hoặc không có việc làm được đóng BHXH trong và sau dịch…
Để giải quyết khó khăn về lương, thu nhập, chế độ làm việc, NLĐ còn đề xuất có chính sách mới về lao động, quy định rõ ràng các công việc được phép làm online và quy định mức lương; có chính sách khuyến khích làm việc online, không cắt giảm lương nếu làm online… Có ngân sách để hỗ trợ NLĐ thất nghiệp các chi phí xét nghiệm, đi lại, huấn luyện đào tạo… trước khi có được việc làm thời vụ. NLĐ cũng đề xuất xây dựng các phương án dài hạn khi dịch bệnh kéo dài, việc cách ly, phong tỏa không thể duy trì trong thời gian dài.