Trong giai đoạn 2021-2025, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những dự án trọng tâm kêu gọi đầu tư nước ngoài
Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định ban hành.
Theo danh sách, có 157 dự án, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, du lịch, thể thao; ngành nông, lâm, thủy sản; khu kinh tế; hệ thống xử lý rác, nước thải; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Cụ thể, các dự án hạ tầng giao thông kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm có: Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4; cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề)…
Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế gồm: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp phía bắc huyện Bến Lức, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh…
Hạ tầng giáo dục và y tế có các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài: Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên…
Đáng lưu ý, trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 còn nêu rõ mục tiêu dự án, địa điểm thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, hình thức đầu tư, tổng vốn đầu tư, địa chỉ liên hệ.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định; đồng thời chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án.
Ngoài ra, Bộ này tiến hành tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục; rà soát, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ cũng như kinh phí của các hoạt động thực hiện theo quy định.
Triển vọng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam
Dịch Covid-19 dù đang được kiểm soát nhưng vẫn có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của nước nhà. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22,15 tỉ USD.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào 18/21 ngành kinh tế của nước ta. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến trên 11,8 tỉ USD ( 53,4%) tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngoài ra, ngành sản xuất, phân phối điện với số lượng dự án mới không nhiều nhưng quy mô lớn nên cũng có tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỉ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2.
Được biết, nhiều doanh nghiệp FDI dù gặp khó trong dịch bệnh nhưng vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư, đồng thời rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Trong đó, Nestlé với mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương, đã quyết định đầu tư 132 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới.
Nhiều công ty Hàn Quốc cũng đánh giá tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Cuối tháng 8/2021, Tập đoàn LG đã đầu tư thêm 1,4 tỉ USD cho dự án tại Hải Phòng. Chưa hết, nhiều dự án tỉ USD cũng đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc xem xét.
Cát Anh (T/h)