3 “ông lớn” ngân hàng nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank góp mặt trong cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Vietcombank, VietinBank, Agribank tăng lãi suất huy động
Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất kịch trần. Đi đầu là loạt ngân hàng thương mại. Chỉ ít ngày say đó, nhiều “ông lớn” ngân hàng khác cũng đã tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, trong đó phải kể đến Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Thông báo mới nhất cho thấy, ngân hàng Vietcombank có biểu lãi suất huy động tăng mạnh nhất. Hình thức gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng áp dụng mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp dụng mức 4,9%/năm, so với biểu lãi suất cũ cao hơn 1,2-1,3 điểm %.
Hình thức gửi online kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, mức lãi suất cao nhất được nhà băng này áp dụng là 6,8%/năm, so với trước đó tăng 1 điểm %.
Tại Vietcombank, hình thức gửi tại quầy ở các kỳ hạn 1-3 tháng tăng 1 điểm % lên mức 4,1-4,4%/năm; tăng 0,8 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng lên 6,4%/năm; ở các kỳ hạn 24 tháng trở lên tăng 1 điểm %, hiện đang cùng ở mức 6,4%/năm.
Đợt điều chỉnh biểu lãi suất huy động vốn này còn có sự góp mặt của VietinBank. Ở các kỳ hạn 1-2 tháng, ngân hàng tăng 1 điểm %, hiện ở mức 4,1%/năm và lãi suất 4,4%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng.
VietinBank áp dụng mức lãi suất mới là 6,4%/năm giống Vietcombank, đều tăng 0,8 điểm % so với trước đó đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Từ cuối tháng 9 này, Agribank bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động tăng mạnh. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại Agribank được điều chỉnh tăng lên mức 0,3 điểm %. Con số này cao hơn con số mà nhóm ngân hàng quốc doanh niêm yết là 0,1%/năm.
Ở kỳ hạn dưới 6 tháng tại Agribank, lãi suất cao nhất hiện ở mức 4,4%/năm, còn lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,4%/năm.
Như vậy, trong đợt này, bộ 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và Agribank là nhóm điều chỉnh lãi suất mạnh nhất, từ 0,8-1,3 điểm %.
Trong nhóm này hiện chỉ còn ngân hàng BIDV chưa có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động. BIDV vẫn đang niêm yết lãi suất tiền gửi của khách hàng cá nhân ở mức 3,1-3,4%/năm đối với kỳ hạn 1-5 tháng; 4%/năm với kỳ hạn 6-9 tháng; 5,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Các ngân hàng tư nhân điều chỉnh biểu lãi suất huy động như nào?
Theo khảo sát mới nhất về biểu lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đã tăng lên tối đa 0,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 2-5 tháng tăng mức kịch trần là 5%/năm. So với hồi đầu năm, các mức lãi suất này tăng khoảng 1 điểm %.
Nếu khách hàng gửi kỳ hạn từ 12-36 tháng tại quầy ở SCB, mức lãi suất cao nhất lên tới 7,3%/năm. Còn trường hợp khách gửi online trong kỳ hạn từ 15-36 tháng, mức lãi suất cao nhất lên tới 7,55%/năm.
Biểu lãi suất mới tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) như sau: Các kỳ hạn ngắn 1 tháng tăng lên 4,7%/năm, 3 tháng là 4,9%/năm. So với trước đó, mức tăng này vào khoảng 1 điểm % .
Tại VPBank – Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh từ 4,5%-4,8%/năm, tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn gửi. Mức này so với trước đó tăng tối đa khoảng 0,8 điểm %.
Ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng thương mại khác như HDBank, VIB, SHB, ACB, Eximbank… cũng thực hiện tăng lãi suất.