Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Vingroup diễn ra thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại đại hội, HĐQT Tập đoàn trình lên cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu dự kiến 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng.
Theo đó, về phương án phân phối lợi nhuận, tại ngày 31/12/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn Vingroup là 6.338 tỷ đồng (công ty mẹ) và 4.718 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất). Theo kế hoạch, công ty sẽ sử dụng toàn bộ lợi nhuận lũy kế để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Định hướng hoạt động năm nay của doanh nghiệp là tập trung vào 3 trụ cột chính: Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội; nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm – dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, sản xuất sản phẩm công nghiệp ra quốc tế.
Năm nay, VinFast giới thiệu các mẫu xe điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính thức nhận đặt hàng đối với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9. Đồng thời, VinFast cũng tiếp tục bàn giao mẫu xe VFe34 đến cho khách hàng tại Việt Nam, chuẩn bị cho việc bàn giao VF 8 và VF 9 cho thị trường toàn cầu từ cuối năm. Doanh nghiệp hy vọng tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế gồm Mỹ, Canada và châu Ậu.
Về hoạt động bất động sản, sau ba dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park, công ty sẽ ra mắt thị trường ba đại dự án mới trong năm 2022 tại những thành phố lớn.
Với bất động sản nhà ở, năm 2021 Vingroup đã bàn giao hơn 47.000 căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại trên cả nước. Các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản cho thuê, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng cũng dần khởi sắc từ quý 4/2021.
Về hoạt động thiện nguyện – xã hội, Vingroup năm qua đã tài trợ hơn 6.000 tỷ đồng, nâng mức tổng chi cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid-19 từ khi dịch khởi phát đến nay đạt hơn 9.400 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, Vingroup đạt doanh thu thuần 125.688 tỷ đồng và lần đầu tiên ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 7.558 tỷ đồng. Khoản lỗ chủ yếu do chi phòng chống dịch Covid-19 và dừng sản xuất xe xăng. Nếu loại các khoản chi phí phát sinh một lần, lợi nhuận sau thuế của Vingroup là 4.503 tỷ đồng.
Về nhân sự, Vingroup miễn nhiệm ông Park Woncheol thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, bầu bổ sung ông Yoo Ji Han là thành viên Hội đồng quản trị thay ông Park Woncheol.
Vingroup đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng.
Thảo luận tại đại hội:
Với tinh thần “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, tôi kiến nghị Vingroup nên thành lập một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trích lập khoảng 5-10% lợi nhuận sau thuế và có thể cho cổ đông góp vốn. Nếu có nhóm bạn trẻ sinh viên theo Vingroup suốt đời, công ty có đồng ý rót vốn không?
Ông Phạm Nhật Vượng: Câu chuyện đóng góp tiền cho ai làm gì, chúng tôi đều nghiên cứu rất kỹ, căn cứ vào ý tưởng, dự án, kế hoạch hành động của họ để tài trợ, chúng tôi không tài trợ tràn lan liên miên.
Hiện nay Vingroup đang rất rất cần tiền cho các dự án lớn của mình, đặc biệt là Vinfast, nên từng đồng, từng hào đều quý. Chúng tôi cũng không thể một tay che hết trời, không thể giải quyết hết tất cả mọi câu chuyện của xã hội. Công việc nào thực sự giúp ích cho định hướng chủ chốt thì chúng tôi sẽ đầu tư.
Vinfast Vũng Áng có diện tích rất lớn là 1.500 ha nhưng toàn bộ 1.500 ha này chỉ để đáp ứng cho nhu cầu của Vinfast hay có còn dành ra phần lớn các diện tích để làm bất động sản công nghiệp hay không?
Nhà máy ở Mỹ công suất 150.000 xe một năm, trong lúc kế hoạch bán hàng tại Mỹ tới năm 2026 là là 750.000, tức 600.000 xe sản xuất từ Việt Nam.
Ở Vũng Áng, bước đầu là 1.500 và có thể sau này chúng tôi sẽ nghiên cứu để mở rộng hơn, một phần dành cho Vinfast, một phần dành cho VinES, nhưng phần lớn sẽ dành cho sản xuất linh kiện ô tô. Chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô.
Hiện tại mức độ đô thị hóa của xe điện Vinfast đang là khoảng 60%, tiến tới sẽ là khoảng 80% và có thể đô thị hóa theo các tiêu chuẩn công bố của Việt Nam bây giờ.
Cho nên không chỉ Vũng Áng mà nhiều khu bất động sản công nghiệp khác đều hướng đến mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào sản xuất linh kiện trước tiên là cho xe điện, sau đấy là những phần khác.
Bất động sản công nghiệp đang trong quá trình làm thủ tục. Nếu như có cơ hội mở rộng ở đâu thì chúng tôi sẽ nghiên cứu.
Để sản xuất pin cho xe điện thì một nguyên liệu rất quan trọng là pin lithium, nhưng nguyên liệu này rất hiếm trên thế giới và đang được nhiều nhà sản xuất xe điện tranh giành, Vinfast đã có kế hoạch vượt qua khó khăn nguyên liệu như thế nào?
Công ty đã lập ra nhóm 6 nhóm nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất pin và bắt đầu lên kế hoạch dự trữ cho kế hoạch sản xuất lâu dài. Nhưng với quy mô vài trăm nghìn xe/năm thì nguồn cung hiện nay chưa phải là vấn đề. Nếu trong tương lai mà sản lượng rất lớn thì đấy sẽ là vấn đề. Thậm chí phải tìm các đối tác liên hệ để giải quyết nguyên vật liệu thô, hợp tác với đối tác khai thác mỏ để mua khối lượng lớn. Đó cũng là mối quan tâm rất lớn của chúng tôi.
Đề xuất Vingroup xây viện dưỡng lão trong các khu đại đô thị hay resort ven biển.
Về ý tưởng viện dưỡng lão là một ý tưởng rất hay, công ty đang nghiên cứu triển khai ở các dự án lớn của Vingroup.
Hiện nay nguyên liệu trên thế giới có nhiều biến động, giá cả tăng, lợi thế và thách thức của Vingroup khi tập trung phát triển mảng xe điện?
Với Vinfast bây giờ đang là thời cơ vàng để chúng ta có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng thương hiệu, vị thế. Chúng tôi đang rất quyết liệt ngày đêm tập trung vào nghiên cứu phát triển xe, tìm kiếm từng linh kiện, từng nguồn cung. Đúng là bây giờ cái gì cũng thiếu, thậm chí như xe VF E34 của chúng tôi bây giờ chỉ có thiếu 1 con tem thôi vì nhà cung cấp không cấp được, thì cũng không xuất xưởng được.
Đấy là 1 thách thức, một áp lực vô cùng lớn bởi vì một phần hàng chúng ta phải nhập bên Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ là công xưởng của thế giới. Như chip bây giờ Thượng Hải đóng cửa, các nhà máy chip của Mỹ cũng đóng cửa, có nghĩa là phần chip ngắt, các nhà máy của Đức, EU tại Trung Quốc cũng bị đóng cửa, và chỉ thiếu 1 linh kiện là không ra được xe. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy rất mạnh mẽ chiến lược đô thị hóa các linh kiện đó. Chúng tôi cũng đang mời gọi những nhà sản xuất chip trên các nước về mở nhà máy ở Việt Nam, Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ, miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong vòng 10-15 năm.
Khi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển được rất nhanh vì trên thế giới bây giờ chỉ thiếu xe chứ không phải thừa xe. Nếu có xe thì chúng ta có thể bán được rất nhanh ở rất nhiều thị trường.
Sắp tới Hà Nội, Bắc Ninh triển khai dự án vành đai 4, Vingroup có kế hoạch tham gia với tư cách chủ đầu tư hay không? Vingroup có kế hoạch phát triển bất động sản công nghiệp tại khu vực quanh vành đai này không, đặc biệt các khu vực được quy hoạch lên thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn?
Về vành đai 4, chúng tôi đã được TP Hà Nội mời tham gia đầu tư. Và chúng tôi sẽ tham gia thậm chí là chủ trì, nhưng chỉ ở góc độ sẽ xây dựng, còn phần vốn thì ngân hàng và các tổ chức khác sẽ tham gia làm. Chúng tôi muốn dồn nguồn lực lớn về tài chính cho các câu chuyện của Vingroup. Các dự án bất động sản quanh vành đai chúng tôi chưa có kế hoạch tham gia.
Vinfast có nghĩ đến giải pháp tái chế pin điện không? Đề xuất ý tưởng lắp pin mặt trời trên xe điện để xe tự sạc được lúc đang di chuyển. Vingroup có kế hoạch đầu tư năng lượng tái tạo trong tương lai không?
Tái chế pin là việc đương nhiên chúng ta phải làm khi mà sản lượng xe lớn, cần một lượng pin lớn thì sẽ phải làm. Tuy nhiên đấy là câu chuyện của 20 năm nữa. Hiện chúng tôi cũng đã lập ra ở VinES 1 bộ phận để nghiên cứu và tới đây có thể ký kết với một số đối tác để triển khai tái chế pin. Nhưng mà pin khi nào đến vòng 3, tức là dưới 30-35% thì mới cần phải tái chế và thu hồi các nguyên liệu quý. Tuy nhiên nếu sau mà mà giá nguyên vật liệu đắt quá thì không phải chờ đến hết vòng 2 mà có thể sớm hơn. Điều đó không chỉ để đáp ứng chất lượng mà còn giải quyết vấn đề môi trường, chắc chắn chúng tôi sẽ không xả, thải ra môi trường
Pin mặt trời thì không phải mới nhưng nó rất đắt, để đưa vào vận hành thì còn cần một thời gian rất dài.
Còn đầu tư năng lượng tái tạo thì chúng tôi chưa có kế hoạch. VinES có nghĩa là Energy Solution, tức là giải quyết các vấn đề năng lượng chứ không phải đầu tư năng lượng tái tạo, xa hơn nữa có thể sản xuất pin hydrogen, giúp phần giảm thải ô nhiễm môi trường. Nhưng nó chỉ có thể thương mại hóa khi mà chi phí sản xuất không cao, hiện nay thì chi phí đang quá lớn nên cần tìm kiếm thêm nhiều công nghệ để sản xuất hydrogen với chi phí có thể thương mại hóa được.
Số đơn hàng đặt xe VF trên toàn cầu đã đạt được kỳ vọng của Vingroup chưa? Cần phải có những chiến lược marketing gì để thu hút khách hàng?
Năm nay VF có kế hoạch 17.000 đơn hàng thì hiện nay đã được hơn 4.000, kế hoạch như vậy là phù hợp với kế hoạch đặt ra. Để vào thị trường Mỹ, với 1 thương hiệu Việt Nam rất non trẻ từ 1 đất nước chưa có nền công nghiệp phát triển thì đương nhiên đấy là 1 khó khăn, thách thức.
Chiến lược của chúng tôi nói về xe thì có 3 thứ: một là sản phẩm, chất lượng tốt, hai là giá hợp lý, ba là dịch vụ hậu mãi tốt. Chúng tôi đang rất quyết liệt nâng cấp các dịch vụ hậu mãi để thúc đẩy việc bán xe lan tỏa.
Về mặt marketing, chúng tôi chọn chiến lược marketing trực tiếp. Bây giờ chúng ta đưa lên phim ảnh, quảng cáo suốt ngày không ai nghe, không ai tin, chúng tôi phải tích cực đi các triển lãm, tích cực cho người tiêu dùng tiềm năng trải nghiệm xe để họ thấy rõ ràng chất lượng, đẳng cấp. Chúng tôi phải chứng minh, thuyết phục từng người một.
Vingroup có kế hoạch pin cho các mạng di động hay không vì đây là 1 thị trường rất lớn?
Nếu như thị trường có dung lượng đủ lớn thì chúng tôi sẽ nghiên cứu. Việc nghiên cứu cho ra mắt pack pin mới với chúng tôi chỉ cần 6-9 tháng, không phải là vấn đề, nhưng thị trường có đủ lớn, bõ công làm hay không thôi.
Sắp tới Quốc hội có kế hoạch sửa đổi bổ sung luật đất đai, điều đó ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu của người tiêu dùng về sở hữu tài sản đất đai? Sự thắt chặt chính sách tín dụng ảnh hưởng thế nào đến nhu cầu mua sắm bất động sản, Vingroup có giải pháp dự phòng gì cho những rủi ro đó?
Tôi cho rằng với các doanh nghiệp bất động sản, chính sách càng hoàn thiện thì những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chân chính càng dễ làm, càng thuận lợi. Ví dụ, Vinhomes của chúng ta là một doanh nghiệp làm ăn rất đoàng hoàng, rất nghiêm túc, thượng tôn pháp luật. Vậy thì đấy là cơ hội không phải là thách thức.
Chúng ta không chộp giật, không có chia lô bán nền, không có làm dự án ảo. Hơn thế nữa, càng ngày chúng ta tạo được giá trị. Tôi đã thuê các tư vấn nghiên cứu, vừa rồi xác định chi phí về đất trong một căn nhà, bất kể chung cư hay thấp tầng, thậm chí chỉ có thể chiếm maximum (tối đa – PV) là 30%, còn 70% đến từ chi phí khác. Nếu chúng ta tạo được lợi nhuận từ chi phí đó, chính là nguồn thu của chúng ta.
Ví dụ, để xây dựng được khu đô thị, để ra được một biệt thự thấp tầng thì có 5 nhóm chi phí mà chúng ta phải tính. Từ đó ra được 5 nhóm lợi nhuận, lợi ích.
Đầu tiên là tiền đất. Thứ hai là tiền đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu đô thị (đường xá, chiếu sáng, cấp thoát nước, xử lý nước thải…). Thứ ba là đầu tư dịch vụ và hạ tầng tiện ích của khu đô thị.
Như tại Vinhomes Dream City có công viên nước lớn nhất Đông Nam Á, có bãi biển, khu nước mặn, bờ biển dài 400 – 500 mét, rồi trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ khác, các khu thể thao. Đấy là chi phí đầu tư cho dịch vụ tiện ích của khu đô thị.
Thứ tư, chi phí đầu tư xây dựng nhà có thể là chung cư cao tầng. Cái thứ 5 là chi phí thương hiệu. Rõ ràng hiện nay, tại Vinhomes Riverside có giá đắt hơn ngay khu bên kia đường khoảng 2 – 3 lần. Đấy chính là giá trị thương hiệu, giá trị về tiện ích và hạ tầng mà chúng ta mang lại.
Cho nên chúng tôi không phát triển về đất mà hạ tầng đằng sau, từ đấy sẽ mang lại lợi ích, lợi nhuận cho Vinhomes. Khi mà chính sách càng minh bạch chặt chẽ chúng ta lại càng có cơ hội phát triển”.
“Tôi cho rằng các cơ quan chức năng ví dụ ngân hàng nhà nước có thể hướng đến siết vào dự án ảo, siết vào câu chuyện đi mua đất vùng sâu vùng xa, đất nông nghiệp để chờ giải phóng mặt bằng… Với các dự án giải quyết nhu cầu của người ở là không thể siết”, ông Vượng nói.