Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức khảo sát trực tuyến ý kiến người lao động về việc làm thêm giờ nhiều hơn so với quy định hiện nay.
Người lao động muốn vượt khung 40 giờ/tuần
Theo Điều 107, Luật Lao động năm 2019, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Trên cơ sở đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động có thể áp dụng số giờ làm thêm của người lao động không quá không quá 40h trong một tháng…
Đồng thời bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200h trong một năm, trừ một số trường hợp được áp dụng làm thêm không quá 300h trong một năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời…
Thời gian qua, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50% ở không ít các doanh nghiệp. Nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như: dệt may, da, giày, chế biến thuỷ, hải sản…lực lượng lao động có khi giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất và các hợp đồng đã ký kết.
Đến khi có thể tổ chức sản xuất trở lại, doanh nghiệp và người lao động muốn thoả thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng làm việc, mặc dù vẫn tuân thủ thời gian tối đa làm thêm giờ trong năm và thời gian làm thêm tối đa trong ngày nhưng lại bị giới hạn về số giờ làm việc trong tháng không quá 40 giờ.
Để kịp thời tháo gỡ những bất cập nói trên của doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo tờ trình về điều chỉnh giờ làm thêm báo cáo Chính phủ trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm.
Vừa qua, Tổng LĐLĐ VN đã nhận được đề nghị góp ý của Bộ LĐ-TB&XH về dự thảo đề xuất điều chỉnh số giờ làm thêm trong tháng, hiện đang được quy định trong Luật Lao động 2019. Theo đó, trong tổng số 17.876 người lao động cho ý kiến, có tới 82,1% người đồng ý.
Mong muốn từ cả phía doanh nghiệp
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN – cho rằng, mong muốn làm thêm giờ của người lao động là sự thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 và qua đó nhằm cải thiện phần nào mức lương.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhiều người lao động nhận xét rằng, do nhiều tháng không được đi làm và không có hoặc thu nhập giảm sút. Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và mong được làm thêm giờ.
Một số nhóm ý kiến thì nêu lý do mức lương thấp nên phải cố làm thêm, còn vấn đề sức khỏe và chăm sóc gia đình vẫn là vấn đề đáng quan tâm nhất. Ông Ngọ Duy Hiểu lưu ý: “Tuy nhiên, phần lớn người lao động đề nghị việc làm thêm giờ vượt mức trần không thể kéo dài và chỉ nên áp dụng trong vài năm…”.
Trước đó, nhiều hiệp hội ngành nghề cũng đã có đề xuất về việc nới khung giờ làm thêm trong tháng, nhằm bù đắp khoảng cách trống thời gian do giãn cách và phục hồi nhanh hoạt động sản xuất.
Đơn cử như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), đề nghị sớm bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong tháng, tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300h lên 400h…
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm và tham khảo ý kiến của nhiều bộ, ban ngành liên quan. Nếu được đồng thuận, đề xuất sẽ được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét tiếp.