Khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhiều khách hàng hay lầm tưởng rằng cứ mua bảo hiểm là sẽ được chi trả quyền lợi ngay lập tức. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng sẽ phải trải qua thời gian chờ trước khi các quyền lợi đáp ứng đủ điều kiện được chi trả.
Vậy khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cần phải chú ý đến những mốc thời gian nào?
1. Ngày phát hành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Ngày phát hành hợp đồng hay còn gọi là ngày cấp hợp đồng được hiểu là thời điểm mà công ty bảo hiểm nhân thọ xác nhận đã nhận đủ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hợp lệ và phí bảo hiểm đầu tiên của khách hàng. Kể từ ngày phát hành hợp đồng cho đến ngày hợp đồng có hiệu lực, người tham gia vẫn được công ty bảo hiểm bảo vệ và cung cấp các quyền lợi tạm thời.
2. Thời gian cân nhắc – 21 ngày
Thời gian này được tính bắt đầu từ ngày phát hành hợp đồng. Nhiều người thường gọi đây là thời gian “dùng thử sản phẩm” của bảo hiểm.
Trong thời gian 21 ngày này, bạn có quyền thay đổi các sản phẩm và giá trị của gói bảo hiểm (chỉ trừ quy tắc điều khoản). Thậm chí, nếu bạn thay đổi quyết định, không muốn tham gia bảo hiểm và hủy hợp đồng thì công ty bảo hiểm sẽ trả lại toàn bộ 100% số tiền đã tham gia (trừ đi chi phí khám sức khỏe nếu có).
3. Ngày hiệu lực hợp đồng
Ngày hiệu lực là ngày mà hợp đồng bảo hiểm chính thức có hiệu lực. Đây là mốc thời gian để xác định ngày kỷ niệm và ngày đáo hạn hợp dồng, được ghi nhận tại trang hợp đồng hoặc giấy xác nhận thay đổi hợp đồng (nếu có).
Thông thường, đa số các công ty bảo hiểm sẽ quy định ngày hiệu lực hợp đồng chính là ngày phát hành hợp đồng.
4. Thời gian chờ bảo hiểm
Thời gian chờ là khoảng thời gian chờ nhận bồi thường quyền lợi sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian hợp đồng có hiệu lực. Mỗi loại bảo hiểm và mỗi quyền lợi bảo hiểm sẽ có thời gian chờ khác nhau. Nếu rủi ro phát sinh trong thời gian này thì công ty bảo hiểm có quyền không chịu trách nhiệm chi trả các quyền lợi.
4.1 Thời gian chờ trước – 30 ngày
Đây là thời gian chờ thường áp dụng đối với các bệnh lý thông thường của Thẻ sức khỏe và Quyền lợi trợ cấp y tế.
Ví dụ: Bạn tham gia bảo hiểm và hợp đồng được cấp vào ngày 01/03/2022. Ngày 29/03/2022, tức là ngày thứ 29 sau khi tham gia bảo hiểm, bạn bị sốt và phải nằm viện để điều trị. Trong trường hợp này, vì sự kiện bảo hiểm của bạn xảy ra trong thời gian chờ nên bạn sẽ không được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi.
Nếu bạn bị sốt và nằm viện vào ngày 31/03/2022, tức là đã qua 30 ngày từ ngày ngày hợp đồng có hiệu lực (ngày thứ 31) thì bạn sẽ được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi theo quy định trong hợp đồng mà bạn tham gia.
4.2 Thời gian chờ trước – 90 ngày
Tương tự như thời gian chờ 30 ngày của bênh lý thông thường, thời gian chờ 90 ngày thường được áp dụng đối với bệnh lý nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo, biến chứng thai sản và cấy ghép nội tạng.
4.3 Thời gian chờ 180 ngày
Đây là thời gian chờ cho sản phẩm bổ trợ Bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Việc giám định thương tật vĩnh viễn/bị liệt/mù hoàn toàn phải được thực hiện từ sau 180 ngày tính từ ngày xảy ra tai nạn hoặc bệnh tật.
4.4 Thời gian chờ trước – 270 – 365 ngày
Đây thường là điều kiện để bạn được hưởng quyền lợi thai sản. Do đó, nếu có ý định mua gói bảo hiểm thai sản, bạn nên tìm hiểu kĩ và tham gia bảo hiểm sớm để đáp ứng được điều kiện này.
4.5 Thời gian chờ sau (thời gian chờ nhận quyền lợi bảo hiểm) – 14 – 30 ngày
Khoảng thời gian này còn được gọi là thời gian còn sống, được quy định trong điều khoản của sản phẩm bổ trợ Bệnh lý nghiêm trọng của Manulife, Prudential,…. Thời gian chờ sau 14 ngày (đối với hợp đồng bảo hiểm Prudential) và 30 ngày (đối với hợp đồng bảo hiểm Manulife) được tính từ ngày khách hàng phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Ví dụ: Sau khi khách hàng phát hiện bị mắc bệnh ung thư (bệnh lý nghiêm trọng), nếu khách hàng tử vong trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hiện bệnh thì sẽ không được công ty Manulife chi trả quyền lợi bảo hiểm bệnh lý hiểm nghèo (nhưng vẫn nhận được bồi thường quyền lợi tử vong – nếu đáp ứng thời gian chờ của quyền lợi này).
Nếu tử vong sau 30 ngày phát hiện bệnh thì khách hàng sẽ được bồi thường cho quyền lợi bệnh lý hiểm nghèo và quyền lợi tử vong.
5. Thời gian 1 năm
Kể từ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bạn có thời gian tối đa 1 năm để yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền bồi thường.
6. Thời gian 2 năm
Nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trong 2 năm đầu thì bạn sẽ không nhận được giá trị hoàn lại. Đây là quy định được ghi rõ trên bảng minh họa của hợp đồng bảo hiểm nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định hủy bỏ hợp đồng trong năm đầu tiên.
Công ty bảo hiểm không chi trả cho trường hợp tử vong do tự tử hay điều trị bệnh tâm thần trong vòng 2 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Nếu bạn không đóng phí và khiến hợp đồng bị mất hiệu lực thì có quyền khôi phục hợp đồng trong vòng 2 năm.
7. Thời hạn yêu cầu bồi thường và nhận quyền lợi bảo hiểm
Khi xảy ra các sự cố bất ngờ như tai nạn, bệnh tật,…công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ tiến hành bồi thường quyền lợi cho người tham gia theo các thỏa thuận trong hợp đồng. Thời gian yêu cầu nhận quyền lợi có thể là 15 hoặc 30 ngày tính từ lúc mà công ty bảo hiểm nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ.
8. Thời gian khởi kiện – 3 năm
Nếu việc bồi thường quyền lợi của công ty bảo hiểm không thỏa đáng thì bạn có quyền khởi kiện công ty bảo hiểm trong vòng 3 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
9. Ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm
Ngày đáo hạn chính là thời điểm hợp đồng bảo hiểm kết thúc. Thời gian đáo hạn hợp đồng có thể là 10 năm, 20 năm hoặc cả đời tùy thuộc vào từng sản phẩm. Lúc này, người tham gia sẽ nhận được quyền lợi đáo hạn với toàn bộ số tiền bảo hiểm, bảo tức và lãi chia tích lũy (nếu có). Đây được coi như khoản tiền tiết kiệm để dùng cho các dự định tương lai.
Nguồn: Tổng hợp