Để phòng chống dịch bệnh không bùng phát trở lại, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động với 9 tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp.
9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại
Tại buổi họp báo chiều 7/10, ông Phạm Đức Hải – phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho hay ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Công tác phòng chống dịch cũng ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ 1/10 đến 3/10, số doanh nghiệp hoạt động được ghi nhận là 5.279 doanh nghiệp. Tính đến ngày 6/10, đã có đến 9.200 doanh nghiệp hoạt động.
Trước dịch, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP có 288.000 lao động. Con số này giảm xuống còn khoảng 70.000 lao động làm việc, chiếm tỉ lệ 24,3% thời điểm trước ngày 1/10.
Đến ngày 6/10, số doanh nghiệp hoạt động và số lao động trở lại làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 66,8%. Ở khu công nghệ cao cũng đã có 88/118 doanh nghiệp hoạt động trở lại, chiếm tỉ lệ 74,3%.
Đánh giá về các số liệu trên, ông Hải cho rằng hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã tiếp tục thu hút được nhiều lao động sau khi thực hiện giãn cách nhưng còn chưa cao. Nguyên nhân do nhiều bà con về quê theo nguyện vọng.
Theo ông Hải, TP.HCM đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ và trân trọng kính mời người lao động tiếp tục ở lại.
Doanh nghiệp hoạt động an toàn trong phòng chống dịch
Các cơ sở sản xuất ở TP Hồ Chí Minh đang dần mở cửa hoạt động trở lại sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cụ thể, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải đáp ứng 9 tiêu chí an toàn sau mới được sản xuất, gồm có:
Tiêu chí 1: Người lao động tham gia sản xuất phải là người có “thẻ Xanh COVID” và được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tiêu chí 2: Các đơn vị phải có kế hoạch và tự tổ chức xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động theo quy định của ngành y tế là 7 ngày/lần đối với nhóm thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao.
Tiêu chí 3: Các đơn vị kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng từ 4 m trở lên và khoảng cách giữa 2 người lao động từ 2 m trở lên.
Tiêu chí 4: Bố trí nhân lực thực hiện do thân nhiệt, giám sát việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế điện tử tại cổng ra vào và tại mỗi khu vực sản xuất;
Tiêu chí 5: Các đơn vị cung cấp đầy đủ khẩu trang y tế cho người lao động mỗi ngày và bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí có tiếp xúc chung như cây ATM, bình nước uống công cộng…
Tiêu chí 6: Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc/nơi lưu trú tập trung ít nhất 1 lần/ngày, nhà vệ sinh ít nhất 4 lần/ngày…
Tiêu chí 7: Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ.
Tiêu chí 8: Kiểm soát lưu thông và lưu trú của người lao động. Tùy quy mô, điều kiện hoạt động, đơn vị lựa chọn phương thức phù hợp: “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”.
Tiêu chí 9: Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người lao động về các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo bộ tiêu chí này. Nhìn chung, các doanh nghiệp có thể thực hiện tốt bộ tiêu chí này, nhưng lo lắng nhất hiện nay là chi phí thực hiện.
Cát Anh (T/h)