Deutsche Bank cho biết việc đóng cửa các hoạt động của công ty tại Nga là không “thực tế” và công ty có nghĩa vụ chăm sóc các khách hàng vẫn đang hoạt động tại nước này.
Trong khi các ngân hàng lớn trên thế giới bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan đang rục rịch từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Nga để hưởng ứng các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ vào nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, ông lớn ngân hàng nước Đức vẫn nói “không” và lựa chọn bám trụ.
Các công ty châu Âu và Mỹ đã rút khỏi Nga trên quy mô lớn, tại sao Deutsche Bank vẫn ở lại?
Giám đốc tài chính James von Moltke của Deutsche Bank nói với CNBC rằng việc đóng cửa các hoạt động của công ty ở Nga là không “thiết thực” và công ty có nghĩa vụ chăm sóc khách hàng vẫn đang hoạt động trong nước.
“Chúng tôi ở đó để hỗ trợ khách hàng của chúng tôi. Đối với các mục đích thực tế, đây không phải là một lựa chọn dễ dàng cho chúng tôi.”
Trong khi đó, ngân hàng sẽ sẵn sàng xem xét lại lập trường nếu tình hình chính trị leo thang hơn nữa và các khách hàng của họ ở Nga – hầu hết là các công ty đa quốc gia – ngừng hoạt động tại nước này.
Trong một thông báo trước đó, Deutsche Bank cho biết mức độ tiếp xúc của ngân hàng này đối với thị trường Nga là rất nhỏ: công ty có tổng khoản vay cho Nga là 1,4 tỷ euro (1,55 tỷ USD), tương đương 0,3% tổng số khoản cho vay của Deutsche.
Việc Nga dần bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế khiến nhiều định chế tài chính đang gấp rút rời khỏi thị trường này. Goldman Sachs và JPMorgan Chase đang trở thành những ngân hàng Mỹ đầu tiên công bố thông tin rút khỏi thị trường Nga. Citibank, công ty có hoạt động kinh doanh lớn nhất ở Nga, cũng cho biết họ đang đánh giá hoạt động kinh doanh của mình tại Nga.
Goldman Sachs đã cấp một khoản tín dụng trị giá khoảng 650 triệu USD cho Nga vào tháng 12/2021.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phương Tây khác cũng tuyên bố rút hoàn toàn hoặc tạm đóng cửa hoạt động ở Nga. McDonald’s, PepsiCo, Coca-Cola, McDonald’s đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga.