Mark Zuckerberg cho biết sẽ tích hợp NFT lên nền tảng mạng xã hội Instagram trong vài tháng tới. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa tiết lộ các tính năng mà họ sẽ cung cấp.
Tích hợp NFT lên Instagram
“Chúng tôi đang nỗ lực để sớm đưa NFT lên Instagram”, Zuckerberg nói tại sự kiện âm nhạc và công nghệ SXSW 2022, diễn ra ngày 11-20/3 tại Texas.
“Lúc này, tôi chưa sẵn sàng thông báo chính xác những gì sẽ diễn ra. Nhưng trong vài tháng tới, một số NFT của bạn sẽ được đưa lên nền tảng”.
Zuckerberg không đề cập chi tiết về NFT sẽ hoạt động thế nào trên Instagram. Theo The Verge, công ty bước đầu có thể chỉ cho phép dùng chúng làm ảnh đại diện giống Twitter, nhưng không loại trừ khả năng hỗ trợ tính năng giao dịch NFT bên trong.
Năm ngoái, Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram cho biết rằng nhóm của ông đang tích cực khám phá các NFT. Tuy nhiên, không có thêm bất cứ thông báo nào khác được tiết lộ.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết công ty đã lên kế hoạch tích hợp NFT vào hai nền tảng mạng xã hội gồm Facebook và Instagram từ tháng 1/2022. Nguồn tin này nói rằng Meta sẽ cho phép người dùng sử dụng NFT để làm hình ảnh đại diện, đúc NFT và công ty cũng sẽ tạo lập thị trường trao đổi trên các mạng xã hội của mình.
Trước Instagram, Twitter đã trở thành mạng xã hội đầu tiên hỗ trợ NFT. Vào giữa tháng 1 năm 2022, người dùng Twitter đã có thể sử dụng NFT để làm hình ảnh đại diện. Hình ảnh đại diện NFT trên mạng xã hội Twitter sẽ hiển thị dưới dạng hình lục giác, thay vì hình tròn và người dùng có thể nhấp vào chúng để xem thêm các thông tin về tác phẩm NFT đó.
Tính năng sử dụng NFT làm ảnh đại diện trên Twitter chỉ áp dụng hạn chế đối với một số người dùng tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand đã đăng ký dịch vụ Twitter Blue. Tính năng xác minh quyền sở hữu của người dùng đối với NFT bằng cách liên kết ví tiền điện tử của họ với tài khoản Twitter
NFT (Non-Fungible Token) là một đơn vị dữ liệu trên blockchain, trong đó, mỗi NFT có thể đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị và vì vậy, chúng không thể hoán đổi cho nhau. NFT có thể tồn tại dưới nhiều dạng tệp kỹ thuật số như tác phẩm nghệ thuật, âm thanh, video, món đồ trong trò chơi điện tử và các tác phẩm sáng tạo khác.
Mặc dù về lý thuyết, các tệp kỹ thuật số có thể tái tạo vô hạn nhưng NFT đại diện cho chúng được lưu lại trên các blockchain mà chúng thuộc về. Do đó, chúng được xem như chứng chỉ xác thực quyền sở hữu đối với một sản phẩm nào đó.
NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu.
Theo NonFungible, tổng giá trị NFT giao dịch trong năm 2021 đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với mức 82,5 triệu USD của năm 2020.
Theo từ điển Collins, trong năm 2021, tần suất sử dụng từ khóa NFT đã tăng 11.000% so với năm trước đó và trở thành từ nổi bật của năm.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Meta khẳng định NFT sẽ đóng vai trò quan trọng trong tham vọng metaverse của công ty. Ông hình dung trang phục hay avatar của người dùng trong metaverse sẽ được gắn mã NFT.