EU đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn là có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga hay không – trong bối cảnh khối này phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong tuần này với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về phản ứng cứng rắn hơn đối với xung đột Nga-Ukraine. Có thông tin cho rằng sau Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đang xem xét áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga.
Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga đẩy giá dầu lên cao
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 3 USD/ thùng. Cụ thế, giá dầu Brent tăng 3,5%, lên mức 111 USD/thùng sau khi chứng kiến mức tăng 1,2% ở phiên thứ Sáu tuần trước. Trong khi đó, giá WTI cũng tăng 3,65%, lên 108 USD/thùng, kéo dài đà leo dốc 1,7% khi đóng cửa phiên trước đó.
Chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc có nên cấm vận dầu Nga để đáp trả nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hay không khi nhóm họp với Mỹ trong tuần này.
Ngày 21/3, Phó thủ tướng Ukraine, Iryna Vershchuk cho biết các lực lượng quân đội của nước này chưa đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol dù đang bị quân đội Nga bao vây. Khi xung đột Nga- Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trọng tâm lại đổ về liệu thị trường có thể tìm ra nguồn cung thay thế dầu Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi lệnh cấm vận này là “phi thực tế” với lý do các nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga và không thể cắt đứt chỉ nguồn cung này trong một thời gian ngắn.
Chuyên gia phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Jeffrey Halley cho biết, trong bối cảnh các cuộc tấn công dữ dội của phiến quân Houthi ở Yemen nhắm mục tiêu vào một nhà máy khí đốt tự nhiên và máy lọc dầu của Saudi Arabia, sản lượng dầu tại vương quốc dầu mỏ này có thể bị ảnh hưởng. Đồng thời, lệnh trừng phạt sắp tới từ EU đã khiến giá dầu tăng ở châu Á.
“Kể cả khi tình hình căng thẳng tại Ukraine chấm dứt ngay, thì thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với một sự thâm hụt năng lượng mang tính cơ cấu, do các lệnh trừng phạt với Nga.”
Ngoài ra, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, cho thấy một số thành viên vẫn đang thiếu hạn ngạch theo thỏa thuận tăng dần sản lượng đã được thống nhất trước đó.