Đồng ruble ngày 23/3 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát đi thông điệp: Áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble với các quốc gia không thân thiện. “Nếu bạn muốn mua khí đốt của Nga, bạn sẽ phải mua bằng đồng tiền của Nga”. Tỉ giá đồng ruble tăng so với USD và Euro, bên cạnh đó giá khí đốt cũng tăng theo.
Đồng ruble Nga đột ngột tăng vọt
Trong tháng này, tại thị trường trong và ngoài nước, đóng cửa phiên ngày 23/3, đồng ruble tăng lên mức cao nhất so với đồng USD.
Theo đài RT, thông báo này khiến đồng tiền của Nga ngay lập tức tăng lên mức giá cao nhất trong ba tuần, ở mức 95 ruble đổi 1 USD. Giá đồng ruble cũng tăng 3,5% so với tiền tệ của Liên minh châu Âu khi giao dịch ở mức 110,5 ruble đổi 1 euro.
Đồng ruble đã giảm giá xuống mức thấp nhất lịch sử vào đầu tháng này khi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây giáng vào nền kinh tế Nga. Khi đó, cần tới 132 ruble mới đổi được 1 USD và 147 ruble chỉ đổi được 1 euro vào ngày 7/3. Vào giữa tháng 2, tỷ giá hối đoái của đồng ruble là khoảng 75 ruble/USD và 85 ruble/euro.
Dù so với USD, đồng Ruble đã giảm xuống dưới 100 Ruble đổi 1 USD, nhưng vẫn giảm hơn 22% trong năm nay do Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt trên toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngày 23/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng Nga định không dùng các loại tiền tệ khác trong giao dịch thanh toán khí đốt. Ông nói thêm rằng quyết định bất hợp pháp của một số nước phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin vào tiền tệ của họ. Do đó, các quốc gia không thân thiện sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
“Động thái trên là nỗ lực của chính quyền Nga nhằm gây áp lực lên các nước phương Tây, với lợi ích bổ sung là hỗ trợ giá trị của đồng Ruble”, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) Liam Peach nhận định.
Sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt của Nga và các mặt hàng xuất khẩu khác trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi Nga tấn công Ukraine.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh sau tuyên bố của ông Putin, bởi lo ngại động thái này sẽ làm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực trầm trọng hơn.
Tuần này, hoạt động giao dịch trái phiếu Nga (OFZ) đã được khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) thông báo một số giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được nối lại vào ngày 24/3 sau thời gian gián đoạn gần 1 tháng.
Đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn chưa tiết lộ quy mô các biện pháp can thiệp vào thị trường OFZ nhằm ổn định giá cả và cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính. Lợi suất trái phiếu OFZ kỳ hạn 10 năm đã đóng cửa ở mức 13,85% trong phiên 23/3, sau khi đạt mức cao kỷ lục 19,74% trong phiên 21/3.
Trong khi đó, ngày 23/3, Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) của Nga cho hay nhiều khả năng nước này không thể thanh toán đúng kỳ hạn lợi suất trái phiếu Eurobond trong bối cảnh Nga chịu tác động nặng nề do các lệnh trừng phạt.
Trước đây, các khoản thanh toán trái phiếu Eurobond cho các doanh nghiệp của Nga được xử lý thông qua các công ty thanh toán quốc tế như Clearstream và Euroclear.
Nga dường như đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ trái phiếu nước ngoài sau khi thực hiện thanh toán lãi suất bằng đồng USD cho một trái phiếu đến hạn vào năm 2029. Một trái chủ cho biết họ đã nhận được khoản thanh toán.
Tuy nhiên, Trung tâm Lưu ký Quốc gia Nga (NSD) và các nhà phân tích cho biết, các trái chủ của các trái phiếu châu Âu (Eurobond) do Nga phát hành có thể đối mặt với việc nhận các khoản thanh toán qua các đại lý quốc tế chậm hơn do các lệnh trừng phạt.