Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới lao dốc khi tin tức các quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới đồng ý cùng Mỹ xuất số lượng lớn thùng dầu từ kho dữ trữ chiến lược. Đồng thời, Saudi Arabia và Phong trào Houthi ở Yemen đã đồng ý đình chiến 2 tháng cũng mang lại tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư về nguồn cung dầu.
Giá dầu Brent giảm 0,8% xuống 102,6 USD/thùng, gía dầu WTI giảm 0,8% xuống 98,45 USD/thùng.
Giải phóng dầu của Mỹ và đình chiến Trung Đông làm hạ nhiệt giá dầu thế giới
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Yemen cho biết các bên tham chiến ở Yemen đã đồng ý ngừng bắn kéo dài hai tháng bắt đầu từ thứ Bảy (2/4). Trước đó, phiến quân Houthi đã nhắm mục tiêu bắn phá đến các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia và liên minh Arab khẳng định việc nhóm Houthi nhắm mục tiêu vào các cơ sở dầu là âm mưu nhằm gây bất ổn tình hình an ninh năng lượng toàn cầu.
“Chiến sự ở Yemen là một mối đe dọa đối với nguồn cung dầu toàn cầu, một lệnh ngừng bắn sẽ làm giảm mối đe dọa đó đối với nguồn cung”, Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao của Tập đoàn PRICE Futures, nhận định.
Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu khí đốt lớn thứ hai thế giới với khoảng 11 triệu thùng dầu một ngày trong tháng 3/2022. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã làm tổn thương nguồn cung dầu lớn từ Nga và mức thiếu hụt nguồn cung dầu Nga ước tính lên đến 1-3 triệu thùng/ngày.
Tuần trước, sau khi Mỹ thông báo đợt xả kho dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng một ngày trong 6 tháng kể từ tháng 5, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 13%. Theo ông Biden, đợt xả dầu dự trữ thứ 3 trong 6 tháng qua sẽ đóng vai trò cầu nối cho đến khi các nhà sản xuất dầu nội địa thúc đẩy sản lượng sản xuất và cân bằng cung cầu.
Bà Tina Teng, chuyên gia phân tích của công ty CMC Markets, cho biết nỗ lực của Mỹ và các nước đồng minh nhằm hạ nhiệt thị trường dầu có thể mang lại kết quả trong ngắn hạn nhưng không có tác dụng trong dài hạn. Các nhà sản xuất dầu lớn của Mỹ vẫn lưỡng lực không muốn tăng sản lượng do họ muốn thu lợi nhuận từ giá dầu cao.
Bên cạnh đó, các lệnh phong tỏa mở rộng của Trung Quốc đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về khả năng nhu cầu nhiên liệu suy yếu.