Sau vụ Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư.
Làm trong sạch thị trường tài chính
Một số cá nhân bị bắt giam vì vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, trong đó điển hình là cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và ông chủ Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng.
Cụ thể, ngày 4/4, Ủy ban CKNN thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, gồm có công ty Ngôi Sao Việt, Cung điện Mùa Đông, Soleil. Đợt chào bán trái phiếu này có tổng giá trị 10.030 tỷ đồng.
Ủy ban CKNN cho hay, các doanh nghiệp trên đã công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo Bộ Tài Chính, động thái này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan quản lý để làm trong sạch và lành mạnh thị trường tài chính.
Bộ Tài chính nói rằng, cạnh những tác động tích cực của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì nó cũng bộc lộ nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư. Chưa kể, nó còn gây ra nguy cơ mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Cảnh báo của Bộ Tài chính sau vụ Tân Hoàng Minh
Trước khi xảy ra vụ việc tại Tân Hoàng Minh, ngay từ năm 2021, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo đối với các nhà đầu tư về những rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ này khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không đủ khả năng, nguồn lực đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro của trái phiếu hay theo sát được tiến độ giải ngân, vốn sử dụng vào đâu và tình hình tài chính doanh nghiệp sau khi đầu tư mua trái phiếu.
Bộ Tài chính nhắc lại nguyên tắc đầu tư cơ bản đối với các nhà đâu tư đó là lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Từ đó, nhắc nhở nhà đầu tư cần đánh giá rủi ro thận trọng, không tham lãi suất mua trái phiếu thông qua lời chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ cũng cảnh báo các nhà đầu tư lưu ý rằng, tổ chức tín dụng hay công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc họ sẽ đảm bảo an toàn cho việc bạn mua trái phiếu. Họ chỉ cung cấp dịch vụ và hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành. Do đó, rủi ro trái phiếu là của doanh nghiệp phát hành, họ không chịu trách nhiệm.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Được biết, không chỉ cảnh báo khi trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn giao các đơn vị liên quan tiến hành đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo nó trở thành kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả cho doanh nghiệp; đồng thời hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư một cách tối đa.
Bộ này cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương xử lý nghiêm, báo cáo lên Bộ Tài chính kết quả để xử lý nghiêm minh.