CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến trình cổ đông thông qua việc đổi tên thành CTCP Tập đoàn OGC (OGC Group) đồng thời chuyển trụ sở từ số 4 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội về 138B Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 82% so với năm trước, xuống mức 18 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi tập đoàn này có lãi trở lại năm 2018. Ngược lại, tổng doanh thu hợp nhất dự kiến lại tăng hơn 80% so với cùng kỳ lên 937 tỷ đồng.
Trước đó trong năm 2021, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 409 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, giảm lần lượt 55% và 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty con là Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Năm 2021 là năm thứ 4 liên tiếp OGC có lãi au giai đoạn khó khăn 2014-2017 với nhiều năm thua lỗ nặng. Dù vậy, OGC vẫn còn lỗ lũy kế đến 2.523 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi của trong một số năm sau biến cố. Do đó, OGC chưa đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định và dự kiến sẽ dùng gần 136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ để bù đắp lỗ lũy kế.
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của OGC dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới đây tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau 2 lần tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên 2021 (Lần thứ nhất do không đủ số lượng cổ đông, lần thứ 2 do HĐQT không chấp thuận yêu cầu bổ sung chương trình họp của nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần), không ít nhà đầu tư vẫn nghi ngờ tính khả thi của Đại hội lần này.
Đáng chú ý, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2022, hàng loạt lãnh đạo của OGC đã đánh tiếng thoái vốn. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC, người mà nhóm cổ đông sở hữu 51% từng yêu cầu bãi nhiệm, đã đăng ký bán ra toàn bộ 13,5 triệu cổ phiếu OGC, tương đương với 4,5% cổ phần theo phương thức thỏa thuận.
Cùng chiều bán ra cổ phiếu còn có bà Nguyễn Hương Nga – Trưởng Ban kiểm soát, bà Nga đăng ký bán gần 8 triệu cổ phiếu OGC, tương đương với 2,65% cổ phần. Cùng với chị gái bà Nga là bà Nguyễn Minh Hạnh đăng ký bán 6,558 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,19% cổ phần. Hai chị em bà Nga đều dự kiến thoái hết vốn theo phương thức thỏa thuận.
Một lãnh đạo khác là Ông Lò Hồng Hiệp – Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của OGC cũng đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng với 1% cổ phần.
Các giao dịch trên đều dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 29/4/2022. Nếu hoàn tất giao dịch trước thời hạn đăng ký, nhóm lãnh đạo trên của OGC sẽ không còn nắm giữ cổ phần vào ngày diễn ra ĐHĐCĐ.
Trên thị trường, dù vẫn trong diện kiểm soát do lỗ lũy kế nhưng cổ phiếu OGC vẫn liên tục tăng mạnh thời gian gần đây. Cổ phiếu này đã tăng gấp đôi sau hơn 1 tháng qua đó đạt đỉnh 20.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/4 trước khi điều chỉnh về giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Trong bối cảnh cổ phiếu OGC tăng giá hơn 100% trong 1 tháng, lãnh đạo và người thân đồng loạt thoái sạch vốn.