Giá dầu Brent tương lai giảm 4,3 USD trong ngày 11/4, tương đương 4,2%, xuống 98,48 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 16/3. Hiện theo giờ Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng 100 usd/thùng
Giá dầu WTI tương lai giảm 3,97 USD, tương đương 4%, xuống 94,29 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 25/2 – một ngày sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, chững lại vì các biện pháp phong tỏa ứng phó Covid-19 ở Thượng Hải, theo các nhà phân tích tại Eurasia Group. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, bắt đầu nới lỏng phong tỏa tại một số khu vực từ ngày 11/4 bất chấp vẫn ghi nhận kỷ lục hơn 25.000 ca nhiễm Covid-19 mới.
“Ngay cả khi các hạn chế ở Thượng Hải được gỡ bỏ, chính sách zero Covid của Trung Quốc vẫn sẽ cản trở lực cầu”, Eurasia cho biết, lưu ý việc phong tỏa Thượng Hải có thể giảm tổng tiêu thụ của Trung Quốc đến 1,3 triệu thùng/ngày.
Để giúp loại bỏ ảnh hưởng từ việc thiếu dầu Nga sau khi Moscow bị trừng phạt, các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm cả Mỹ, sẽ xả tổng cộng 240 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong 6 tháng tới.
Việc xả dầu này tương đương với bơm ra 1,3 triệu thùng/ngày trong 6 tháng, đủ để bù đắp thiếu hụt 1 triệu thùng/ngày từ Nga, theo giới phân tích tại JPMorgan.
“Đây là đợt xả dầu lớn kỷ lục, đang ảnh hưởng đến đường giá của WTI”, Robert Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, nói, cảnh báo về nguy cơ dư cung trong những tháng tới.
USD tăng giá so với các đồng tiền khác cũng gây áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang soạn đề xuất cấm vận dầu Nga dù các thành viên trong khối vẫn còn chia rẽ về vấn đề này.
OPEC cảnh báo EU trừng phạt Nga có thể tạo ra cú sốc nguồn cung tệ nhất và không thể thay thế được nguồn cung từ Moscow. OPEC cũng ám chỉ sẽ không tăng sản lượng.
Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu nhiều thứ ba thế giới, tăng mua dầu từ Nga trong vài tháng qua bởi Moscow buộc phải bán dầu với mức chiết khấu sâu kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lực cầu tại Ấn Độ lên đỉnh 3 năm trong tháng 3 với doanh số bán xăng cao kỷ lục.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 11/4 tăng do nhà đầu tư lo ngại lạm phát tháng 3 có thể tăng mạnh nhất 40 năm.
Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 7,4 USD lên 1.954,1 USD/ounce.
Giá vàng tương lai tăng 0,1% lên 1.948,2 USD/ounce.
Giá bạc tăng 0,5% lên 24,87 USD/ounce.
Giá platinum giảm 0,2% xuống 973,4 USD/ounce.