Nhận định chứng khoán: Thị trường hôm nay ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp do áp lực giải chấp tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên.
Nhận định chứng khoán: Điểm lại phiên giao dịch 12/4
Phiên giao dịch 12/4 mở cửa, sau phiên ATO thị trường tăng hơn 3 điểm với lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu trong rổ VN30. Tuy nhiên sắc xanh này không duy trì được bao lâu. Các chỉ số biến động giằng co, phân hóa mạnh ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Kể đến các mã như VPB, HSG, SAB, MSN hay HVN…đây là những mã đang đóng vai trò trụ đỡ thị trường, trong đó VPB tăng mạnh với 3,6%, HSG tăng mạnh trở lại sau phiên lao dốc 8/4/.
Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đã có văn bản giải trình về tin đồn khiến cổ phiếu bị bán tháo, giá giảm sàn phiên ngày 8/4. Trong phiên này, cổ phiếu HSG giảm sàn xuống 32.850 đồng/cp và khối lượng giao dịch đột biến hơn 13 triệu đơn vị.
Phía Tập đoàn Hoa Sen khẳng định văn bản được lan truyền hoàn toàn không có căn cứ để xác thực và Công ty hiện không nhận được văn bản đính kèm từ cơ quan chức năng.
“Đối với các hoạt động thanh tra – kiểm tra của cơ quan nhà nước, đây là hoạt động thường xuyên – liên tục – định kỳ của các cơ quan quản lý nhà nước và Công ty luôn tuân thủ trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu. Bất kỳ một sự kiện thanh tra nào có ảnh hưởng đến Công ty, cổ đông đều sẽ được công bố thông tin 24h theo quy định pháp luật”, đại diện HSG cho hay.
HSG cũng cho biết, Công ty từng có Nghị quyết thông qua chủ trương phát hành trái phiếu, tuy nhiên Công ty không thực hiện, không triển khai. Cho tới thời điểm hiện tại, Công ty không có phát hành trái phiếu.
Trong rổ VN30, bên bán đang thắng thế với 21 mã giảm, 8 mã tăng và 1 mã đứng giá. Sắc xanh nổi bật nhất là MSN và VPB. Theo sau là các mã GAS, SAB, VJC. Ngược lại, VHM, VIC, BID, STB, MBB là những mã giảm mạnh nhất rổ với mức giảm trung bình gần 1%.
Ngành tiện ích đang có phiên giao dịch tương đối khởi sắc. Cổ phiếu PGV đang là tâm điểm khi tăng mạnh hơn 5%, các mã khác như IDC tiến tốt gần 4%, POW, NT2 và GEG cùng nhích nhẹ lên trên tham chiếu.
Nhóm vận tải cũng khá tích cực với đà tăng ở cổ phiếu hàng không và vận tải biển.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ FLC tiếp tục giao dịch ảm đạm. Thông tin FLC, HAI, ROS bị ngừng cấp margin (cho vay giao dịch ký quỹ) theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã khiến các cổ phiếu này giảm mạnh.
Đến 10h30, áp lực bán trên thị trường đang ở mức cao đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn VN30-Index hiện giảm 8,19 điểm (-0,54%) xuống 1.516,12 điểm. Các cổ phiếu như BID, MWG, BVH, MBB, FPT, VIC, VHM… đều đang giảm sâu và tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, BID giảm 2,6%, MWG giảm 2,3%, BVH giảm 2%, MBB giảm 1,4%…
VN-Index hiện giảm 8,86 điểm. HNX-Index giảm 1,67 điểm. UPCoM-Index giảm 0,22 điểm
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí như PLX, PGS, PVT, PVB, PVC, PVD, PVS, BSR, OIL… đồng loạt giảm điểm khi giá dầu Brent thế giới vụt mất mốc 100 USD/thùng trước lo ngại về nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc sụt giảm do các biện pháp chống dịch của chính phủ. Thêm vào đó, các nước thành viên của Cơ quan Năng Lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Nhóm bảo hiểm sắc đỏ bao phủ khi đồng loạt giảm từ 2,7 – 3,8%. Tróng đó BVH, BMI, MIG đều giảm 3%, duy nhất mã cổ phiếu PTI đi ngược xu hướng giảm của thị trường khi tăng mạnh 8% lên mức 68.000/cp. Tuy nhiên khối lượng khớp của nhóm cổ phiếu bảo hiểm khá khiêm tốn.
Phiên sáng lao dốc ngay những phút đầu
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 19,53 điểm xuống 1.462,47 điểm (-1,32%). HNX-Index giảm 7,45 điểm xuống 424,57 điểm (-1,72%).UPCoM-Index giảm 1,04 điểm xuống 112,8 điểm (-0,91%).
Tạm dừng phiên sáng, VHM, BID, VCB và GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, VPB, PGV và MSN là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn phiên sáng hôm thứ Sáu với tổng giá trị khớp lệnh đạt 13.345 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 5% lên 11.263 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 350 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó HPG và VPB là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 3 tỷ đồng, trong đó VCS là mã bị bán ròng nhiều nhất.
Phiên chiều mở màn cho đà bán tháo
Phiên chiều trở lại với đà phục hồi khá mạnh, chỉ số VN-index tiến gần về mức tham chiếu với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng sự hồi phục của những anh lớn ngành bất động sản, ngân hàng.
Tưởng chừng như thị trường sẽ có sự phục hồi mạnh tốt khi lực cầu dâng cao.Tuy nhiên, áp lực bán lại đột ngột ập đến đã đẩy xuống dốc hàng loạt cổ phiếu lớn, nhiều mã xuất hiện tình trạng bị bán tháo và lùi về mức giá sàn đặc biệt là các mã bất động sản.
Cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ đồng loạt “gãy” về cuối phiên. DXG, HBC, DIG, HDC, LDG… đồng loạt giảm sàn. Nhóm vốn hóa lớn như VHM, VIC, NVL cũng không tích cực hơn.
Điểm sáng hôm nay là sự hồi phục mạnh của nhóm xuất khẩu thủy sản khi anh lớn VHC tăng sát mức giá trần 6,89%, ANV tăng 1% cùng với 2 cổ phiếu ngành này tăng kịch trần như ACL và IDI
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa giảm 26,75 điểm xuống 1.455,25 điểm (-1,8%). HNX-Index đóng cửa giảm 11,01 điểm xuống 421,01 điểm (-1,83%). UPCoM-Index đóng cửa giảm 1,15 điểm xuống 112,53 điểm (-1,15%).
Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, thấp hơn so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.416 tỷ đồng, giảm 10,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 10,4% và đạt 20.151 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp. Hôm nay, VHM, STB, HPG, PVD, HCM bị bán mạnh nhất thị trường.
Nhận định chứng khoán 13/4: Chưa có dấu hiệu phục hồi
Thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong ngày giao dịch hôm nay khi chỉ số VN-Index giảm 27 điểm (1,8%) xuống mốc 1.455 điểm. Thanh khoản trong phiên sụt giảm hơn 10% với tổng khối lượng giao dịch trên 20.000 tỷ cho thấy tâm lý thận trọng đang bao phủ dòng tiền.
Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp do áp lực giải chấp tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Như vậy, VN-Index đã có mức chiết khấu gần 5% kể từ đỉnh gần nhất, do đó công ty chứng khoán kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm có những phiên hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới, nhất là khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I đang đến gần.
Thị trường hiện tại đang trong trạng thái tiêu cực và có lẽ tâm lí nhà đầu tư đang hoảng loạn. Thông thường, sau các phiên giảm sâu như hôm nay, thị trường sẽ có các phiên hồi kỹ thuật, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.
VN-Index sắp chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh của nền tảng tích lũy 6 tháng (vùng tích lũy 1.425-1.530), mốc hỗ trợ cứng này kỳ vọng sẽ chặn được đà giảm của thị trường và tạo đáy ngắn hạn để có thể phục hồi về vùng 1425 – 1450 điểm. Trong trường hợp xấu, VN-Index có thể tiếp tục sẽ lùi về ngưỡng quanh vùng 1.420.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào nhịp hồi phục trong thời gian tới, có thể xem xét giải ngân khi thị trường rơi về vùng 1440 và xuất hiện điểm cân bằng hồi phục. Nhắm đến những cổ phiếu đã lùi về hỗ trợ cứng, đi nền chặt cũng như thoát khỏi những cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu và cẩn trọng với nhóm cổ phiếu đầu cơ có rủi ro cao.
Nhận định chứng khoán: Cổ phiếu đáng quan tâm
* Cổ phiếu ngân hàng: MBB, VPB, HDB, CTG
* Bảo hiểm: BVH, BMI
* Bất động sản: NLG
* Bất động sản khu công nghiệp: KBC, SZC
* Đầu tư công: G36
* Phân bón hóa chất:
* Xuất nhập khẩu, thủy sản: VHC, ANV
* Chứng khoán: VND
* Vật liệu cơ bản: HPG, NKG ( nắm giữ trung, dài hạn)
* Dầu khí:
* Xây dựng: HBC
* Chăn nuôi: DBC
* Bán lẻ: DGW, MWG
* Mía đường: QNS
* Dệt may: TNG, GIL
* Ngành nhựa: APH ( nắm giữ trung hạn, dài hạn)
* Hàng không: HVN ( nắm giữu dài hạn)
* Nông nghiệp: BAF
* Y tế: TNH
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định trên là nguồn thông tin tham khảo. Khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
JM – ViMoney