Đã nhiều lần nghe về bảng cân đối kế toán, nhưng bạn có biết bảng cân đối kế toán là gì? Nguyên tắc khi lập bảng cân đối kế toán hay không?
Khái niệm bảng cân đối kế toán là gì?
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, chúng ta có thể đưa ra những đánh giá một cách khái quát nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Vì thế, có thể hiểu bảng cân đối kế toán chính là báo cáo tài chính tổng hợp. Nó phản ánh một cách tổng quát về toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp cũng như nguồn hình thành tài sản ở một thời điểm nhất định.
Số liệu trên Bảng cân đối kế toán thể hiện toàn bộ giá trị tài sản doanh nghiệp đang có, dựa theo cơ cấu của tài sản, cơ cấu nguồn vốn hình thành nên các tài sản.
Những nguyên tắc khi lập bảng cân đối kế toán
Nguyên tắc khi lập bảng cân đối kế toán chia thành doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục và doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Cụ thể như sau:
Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
– Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” quy định, quá trình lập và trình bày Bảng cân đối kế toán sẽ phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung về lập và trình bày Báo cáo tài chính.
– Các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả trình bày riêng biệt, chia thành ngắn hạn và dài hạn, tuỳ thuộc vào thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp có chu kỳ bình thường trong 12 tháng, tài sản và nợ phải trả phân thành dài hạn, ngắn hạn theo nguyên tắc: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi/thanh toán trong không quá 12 tháng tới, kể từ khi báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn hoặc dài hạn.
Doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trên 12 tháng, Tài sản và Nợ phải trả phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi/thanh toán trong vòng một chu kỳ/dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại ngắn hạn/dài hạn.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần thuyết minh rõ những đặc điểm xác định chu kỳ kinh doanh thông thường hoặc thời gian bình quân của chu kỳ kinh doanh thông thường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đưa ra các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành hoặc lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp nào không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân biệt ngắn hạn/dài hạn thì các Tài sản và Nợ phải trả cần được trình bày dựa vào tính thanh khoản giảm dần.
Trong bảng cân đối kế toán tổng hợp, đơn vị cấp trên – cấp dưới trực thuộc nếu không có tư cách pháp nhân thì đơn vị cấp trên cần loại trừ tất cả số dư của các khoản mục phát sinh từ các giao dịch nội bộ, có thể kể đến là khoản phải thu, trả hoặc cho vay nội bộ…. giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới hay giữa các đơn vị cấp dưới.
Khi tổng hợp báo cáo giữa đơn vị cấp trên và cấp dưới hạch toán phụ thuộc, kỹ thuật loại trừ các khoản mục nội bộ được thực hiện tương tự như kỹ thuật hợp nhất Báo cáo tài chính.
Bảng cân đối kế toán không cần trình bày về các chỉ tiêu không có số liệu. Doanh nghiệp chủ động trong việc đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu dựa trên nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
Doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục lập bảng cân đối kế toán dựa trên nguyên tắc nào?
Về cơ bản, đối với doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, việc trình bày các chỉ tiêu của Bảng cân đối kế toán tương tự của doanh nghiệp khi đang hoạt động. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được điều chỉnh gồm có:
– Không phân biệt ngắn hạn và dài hạn: Theo đó, các chỉ tiêu được lập sẽ không căn cứ vào thời hạn còn lại kể từ ngày lập báo cáo.
– Không trình bày các chỉ tiêu dự phòng: Nguyên nhân bởi toàn bộ tài sản, nợ phải trả được đánh giá lại theo giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị có thể thu hồi hoặc giá trị hợp lý;
* Phương pháp lập khác của một số chỉ tiêu của doanh nghiệp không đáp ứng giả đinh:
– Chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh”: Phản ánh giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh sau khi đã đánh giá lại. Theo đó, doanh nghiệp không cần trình bày chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” bởi nó được giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh.
+ Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn”. Số dự phòng đã được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư.
+ Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng phải thu khó đòi” vì nó được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản phải thu.
– Chỉ tiêu “Hàng tồn kho”: Phản ánh giá trị ghi sổ của hàng tồn kho sau khi được đánh giá lại.
Các số liệu bao gồm khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; thiết bị, phụ tùng thay thế, vật tư được phân loại dài hạn trên Bảng Cân đối kế toán của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục. Doanh nghiệp không cần trình bày chỉ tiêu này vì số dự phòng giảm giá đã được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của hàng tồn kho.
– Các chỉ tiêu liên quan đến TSCĐ vô hình, TSCĐ hữu hình, TSCĐ thuê tài chính, Bất động sản đầu tư phản ánh theo giá trị ghi sổ sau khi đã đánh giá lại các tài sản trên. Doanh nghiệp không cần trình bày chỉ tiêu “Nguyên giá”, chỉ tiêu “Hao mòn lũy kế”.
– Các chỉ tiêu khác trình bày bằng cách gộp nội dung và số liệu của các chỉ tiêu tương ứng ở phần dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.