VN-Index đã mất hơn 154 điểm những ngày qua với cú giảm liên tiếp không gì cản nổi khiến nhà đầu tư rất hoang mang và bi quan. Vốn hoá VN-Index bốc hơi mất 604.000 tỷ đồng kể từ 4/4, tương ứng 26 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu rớt thẳng đứng 30-40% gây choáng váng cho nhà đầu tư. Trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư phải thốt lên rằng “kiếm củi 3 năm đốt vài ngày” để nói về độ khốc liệt của chứng khoán.
Quả thực, đà giảm của VN-Index nói chung và cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 4 rất nhanh và sốc khiến nhà đầu tư không chuẩn bị tâm lý phòng thủ rơi vào bị động, tài khoản thua lỗ sâu.
Tuy nhiên, sau chuỗi dài giảm điểm, VN-Index đã có màn “cá hồi” mạnh mẽ vào những phút cuối phiên 22/4. Nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh đã giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh sau những “hai tuần đen tối” vừa qua.
Cụ thể VN-Index đã tăng 9 điểm lên mốc 1.379 điểm, trong khi đó VN30 bứt phá tăng lại 17,45 điểm lên mốc 1.444 điểm. Thanh khoản 3 sàn lên tới 30.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước đó.
“Công thần” của phiên 21/4 là nhóm cổ phiếu bank như VCB, VPB, TCB, CTG, STB, ACB… Đây là nhóm cổ phiếu chi phối vốn hoá lớn nhất, nhóm này đã “cá hồi” trong phiên khiến cho VN-Index giữ được sắc xanh. Một số cổ phiếu trụ như VIC, VHM, HPG, VNM… cũng lấy lại điểm số sau phiên phái sinh ngày hôm qua.
Nhà đầu tư tạm thời được “thở oxy” cuối tuần sau chuỗi ngày nhìn tài khoản bốc hơi liên tiếp.
Nguyên nhân khiến VN-Index lội ngược dòng những phút cuối phiên 22/4 đến từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, tâm lý bi quan của nhà đầu tư phần nào đã được gỡ xuống sau những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ tại sự kiện chiều 22/4 khi chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường… Cá biệt còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường. Tuy vậy, những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn.
Thông điệp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra là: Làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ vững chắc, tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định: Thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Với những điều kiện đó chúng ta có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.
Thứ hai, những ngày này các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt công bố báo cáo tài chính quý 1/2022. Sống chung với đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã phát triển tốt, lợi nhuận và doanh thu tăng mạnh như nhóm công nghệ, thuỷ sản, dệt may, phân bón, hoá chất, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo…
Điều này khiến nhà đầu tư có điểm tựa vững chắc rằng doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, biến động giá cổ phiếu là ngắn hạn.
Thứ ba, thị trường đã có “cú rơi” hơn 154 điểm chóng vánh, lượng margin đã được hạ đáng kể, nên xét về phân tích kỹ thuật sẽ có những phiên hồi lại sau chuỗi ngày giảm sâu.