Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ngày 23/2 cho biết họ đã có các cuộc thảo luận hiệu quả với Sri Lanka – đất nước đang chìm trong khủng hoảng về các khoản vay nợ và gói cứu trợ.
Các cuộc thảo luận bao gồm những phát triển kinh tế và tài chính gần đây ở Sri Lanka, thảo luận chiến lược chặt chẽ nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và tầm quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương.
Trưởng phái đoàn IMF tại Sri Lanka Masahiro Nozaki nêu rõ: “IMF hoan nghênh kế hoạch của nhà chức trách trong việc đối thoại hợp tác với các chủ nợ.”
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành được độc lập năm 1948. Ngày 12/4, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tuyên bố “không thể” trả các khoản nợ nước ngoài do phải để dành nguồn ngoại tệ đang suy kiệt “nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu”. Tác động của đại dịch Covid-19 cùng những sai lầm trong quản lý kinh tế khiến nợ công tăng cao, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Các cơ quan xếp hạng đã cảnh báo về khả năng vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD của Sri Lanka và ngăn chặn hiệu quả nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết để tài trợ cho nhập khẩu.
Sri Lanka tìm cứu gói cứu trợ
Ngoài vấn đề tài chính, khủng hoảng chính trị cũng đang gia tăng ở Sri Lanka khi người dân đổ xuống đường kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức vì quản lý yếu kém nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry của nước này cùng tân Thống đốc Ngân hàng trung ương P. Nandalal Weerasinghe đã tổ chức một loạt cuộc họp tại Washington với các quan chức của IMF, Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ và các tổ chức khác để tìm kiếm sự trợ giúp về tài chính và yêu cầu các khoản vay khẩn cấp.
Reuters cho biết Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho nước láng giềng thêm 2 tỷ USD để làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc. Sri Lanka cũng đã đề xuất thêm một hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD từ Ấn Độ cho ngành nhiên liệu của nước này.
Đất nước 22 triệu dân này đang phải “vật lộn” để thanh toán hóa đơn nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và chi trả nợ nước ngoài, sau khi dự trữ ngoại hối sụt giảm 70% trong hai năm qua, khiến đồng nội tệ mất giá, nhiên liệu thiếu hụt, giá lương thực tăng cao và biểu tình xảy ra ở nhiều nơi.