Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 nhằm chống lại lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Sau quyết định mới đưa ra, lãi suất liên bang tại Mỹ sẽ ở phạm vi 0,75%-1%. Theo dữ liệu của CME Group, thị trường dự đoán lãi suất sẽ tăng lên mức 2,75%-3% vào cuối năm nay.
Chủ tịch Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo: “Lạm phát đang ở mức rất cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà tình thế này gây ra. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục điều đó.” Ông lưu ý về gánh nặng lạm phát đối với những người thu nhập thấp và “cam kết sẽ mạnh tay ổn định lại tình hình giá cả”.
Cuộc họp của Fed thu hút sự chú ý của giới tài chính thế giới, họ theo dõi mọi động thái của Fed để đưa ra quyết định đầu tư.
Nhận định về quyết định nâng lãi suất kỷ lục 20 năm của Fed, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đêm qua cả thế giới trông đợi vào quyết định của Fed. Trước cuộc họp đồng USD, lợi suất trái phiếu đã tăng rất cao, điển hình trái phiếu Chính phủ 10 năm có thời điểm đã chạm mốc 3%.
“Fed đã tăng lãi suất 0,5% – mức tăng mạnh nhất kể từ 2000 mục đích kiềm chế lạm phát khi lạm phát của Mỹ tăng cao mạnh nhất trong 40 năm qua. Có khả năng Fed không tăng thêm 0,75% trong tháng 6 như các đồn đoán.
Mức tăng này cho thấy Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực, không quá nôn nóng thắt chặt quá mạnh, tăng lãi suất từ từ tránh gây sốc trên thị trường dù lạm phát đang tăng cao 40 năm qua”, ông Minh đánh giá Fed có bước đi rất thận trọng, quan sát phản ứng của thị trường đặc biệt là chứng khoán. Khác với năm 2017-2018, khi đó Fed tăng lãi suất đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
Theo vị giám đốc phân tích này, phản ứng với quyết định của Fed, đồng USD và lợi suất trái phiếu có phiên giảm mạnh – kết thúc chuỗi tăng điểm dài. Tuy vậy, nhìn dài hạn USD và trái phiếu Mỹ vẫn trong xu hướng tăng.
Về thị trường chứng khoán, ông Minh cho biết, hầu hết chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh, khối lượng giao dịch cũng tăng nhẹ dù vậy xu hướng ngắn hạn vẫn là tích luỹ dù yếu tố rủi ro đã giảm bớt và tâm lý nhà đầu tư tích cực. Có một phiên tăng mạnh nhưng ông Minh cho biết, điều này chưa thể đảo ngược được xu thế ngắn hạn, xu hướng ngắn hạn tăng vẫn chưa được xác lập.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, hành động như thế nào sau quyết định của Fed, ông Minh phân tích rõ, VN-Index đã có phiên đầu tháng 5 chạm gần 1.370 điểm sau đó lùi về mốc 1.348 điểm, áp lực giảm chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
“Sau quyết định của Fed và chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, nhà đầu tư Việt Nam cũng có tâm lý tích cực hơn so với tâm lý bi quan của những phiên giao dịch trước.
Tuy vậy, vùng kháng cự 1.370 điểm. Lực cầu ở mức giá cao rất thấp, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Kịch bản sideway của VN-Index sẽ có xác suất cao”, ông Minh nói.
Điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt trong giai đoạn tới, theo ông Minh đó là ở độ rộng thị trường. Nếu nhìn chỉ số có thể thấy thị trường trong xu thế tích luỹ, hồi phục nhưng độ rộng thị trường tốt hơn, tâm lý nhà đầu tư bớt bi quan hơn, cơ hội kiếm tiền ngắn hạn đã gia tăng, nhiều nhóm cổ phiếu ngắt đà giảm và tăng trở lại.
Ông Minh nhận định, xu hướng ngắn hạn giảm vẫn đang chiếm ưu thế, nên đa số nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Với một số nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn thì có thể mua tỷ trọng thấp, ưu tiên giải ngân các cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt, trong đó dòng cảng biển được chú ý hơn cả.
Về lãi suất của các ngân hàng tháng 5, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng hiện duy trì trong khoảng từ 5,5% đến 7,6%/năm, tùy từng ngân hàng và số tiền gửi.
Một số ngân hàng đã tăng lãi suất khoảng 0,1-0,5% các kỳ hạn ngắn trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Tuy vậy, mức tăng này chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ. Nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, hay MBBank, Vpbank, Techcombank…mức tăng chưa đáng kể.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, chưa có động thái nào về việc tăng trần lãi suất trở lại cũng như siết cung tiền, ngoài lĩnh vực bất động sản và trái phiếu.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa mới đây đã công bố, tín dụng của nền kinh tế đến cuối tháng 4 tăng trưởng 6,75% so với cuối năm ngoái. Theo ông Tú, con số này cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế. Tốc độ tín dụng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu khả quan, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi tích cực.
Riêng tín dụng vào bất động sản không có biến động nhiều kể từ đầu năm nay tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ. Ông Tú công nhận con số này không cao mà thấp hơn so với giai đoạn trước (tăng 28%).
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.