Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua số liệu vốn FDI tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2021.
Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.
Mặc dù vậy, giải ngân vốn FDI giảm trong tháng 8 – ở mức 14,3% so với tháng trước và 12,2% so với cùng kỳ năm trước – do giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế lớn.
WB cũng đánh giá, đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4/2021 đã trở nên xấu đi trong tháng 8 khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh. Việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực (giảm trên 30% so cùng kỳ năm trước).
Cán cân thương mại hàng hóa xấu đi do xuất khẩu giảm, trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Giá cả ổn định do nhu cầu trong nước yếu đi cũng như giá năng lượng và kim loại thế giới chững lại; tiền đồng tăng giá, cả theo tỷ giá hữu hiệu thực và theo tỷ giá danh nghĩa. Tăng trưởng tín dụng vẫn ổn định, mặc dù lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước.
Cân đối ngân sách tháng 8 ghi nhận bội chi khi số thu giảm do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh để xử lý đợt bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong tám tháng đầu năm 2021, thu ngân sách vẫn tăng 13,9%, và tổng chi giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian tới, quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch hiện nay một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi vào quý IV.
Chiến dịch tiêm vắc-xin là ưu tiên cấp thiết. Để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ các hộ gia đình để giúp phục hồi tiêu dùng tư nhân, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.
Mới đây, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng của Việt Nam; đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa; đi lại thuận tiện hơn cho người lao động; rút ngắn thời gian cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vắc xin trở lại Việt Nam làm việc; đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt; sống chung với vi-rút để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, những gì các doanh nghiệp cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; một giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh. Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vắc-xin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời, là rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. EuroCham cũng nhấn mạnh đến yêu cầu của việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.
Cuộc khảo sát gần đây đối với các quan chức điều hành và cấp cao từ 100 cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) của hơn 70 quốc gia cho thấy, 53% người được hỏi kỳ vọng dòng vốn FDI vào lãnh thổ của họ sẽ tăng vào năm 2021; chỉ có 18% dự đoán FDI trong nước sẽ giảm và 4% dự báo sẽ giảm đáng kể – cải thiện hơn so với cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4/2020.
Tuy nhiên, sự phục hồi là chưa thực sự chắc chắn. Theo báo cáo, chỉ 49% các IPA tham gia dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ tăng vào năm 2021. Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù niềm tin trong nước ngày càng tăng, song vẫn tồn tại những thách thức trong thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay.
Theo HSBC, các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Nhóm nghiên cứu của ngân hàng này đã lấy dẫn chứng việc LG Display vừa nâng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để tăng sản lượng màn hình OLED để chứng minh cho nhận định của mình. Trước đó, hồi tháng 2/2021, LG Display đã một lần tăng vốn thêm 750 triệu USD.
HSBC, trong một báo cáo vừa được công bố, đã đưa ra nhận định rằng: “Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới”. Như vậy, có thể kỳ vọng rằng, trong thu hút FDI, cửa vẫn “sáng” đối với Việt Nam