Thẻ tín dụng ngày càng được sử dụng phổ biến, nhưng để tránh mất tiền oan thì bạn cần quan tâm đến câu chuyện lãi suất thẻ tín dụng.
Sở hữu những chiếc thẻ tín dụng để phục vụ nhu cầu mua sắm, chi tiêu hàng ngày nhưng không nắm được những điều cơ bản của thẻ tín dụng, bạn dễ rơi cảnh mất tiền oan. Bởi vậy, việc hiểu rõ về lãi suất thẻ tín dụng là vô cùng cần thiết khi sử dụng loại thẻ này.
Theo quy định pháp luật, chủ thẻ tín dụng cần phải sử dụng tiền đúng mục đích cũng như thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản tiền vay, lãi phát sinh cho tổ chức phát hành thẻ.
Vậy, để tránh mất tiền oan từ việc phát sinh lãi suất khi sử dụng thẻ, bạn cần phải nắm được những điều này:
Những trường hợp phát sinh lãi suất thẻ tín dụng
Theo quy định pháp luật, chủ thẻ tín dụng sẽ được phép giao dịch trong hạn mức tín dụng được cấp, sau đó thanh toán lại toàn bộ khoản vay cho ngân hàng hoặc trả góp hàng tháng. Nếu không thanh toán được toàn bộ khoản vay trong thời gian quy định thì khách hàng phải trả lãi.
Tùy chính sách từng ngân hàng nhưng thông thường, khách hàng sẽ được miễn lãi suất trong khoảng 45 ngày. Nhưng nếu không thể thực hiện thanh toán thì chắc chắn sẽ phát sinh lãi. Bởi vậy, hãy lưu ý về mặt thời gian để tránh mất tiền oan.
Trong trường hợp không đủ tiền để thanh toán, nhiều khách hàng đã lựa chọn đáo hạn thẻ để có thêm thời gian xoay tiền. Tuy nhiên, hình thức này thường phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, không được khuyến khích.
Các loại lãi suất thẻ tín dụng
Lãi suất chung
Bản chất của thẻ tín dụng là một hình thức cho vay tiêu dùng. Do đó, lãi suất của loại thẻ này tương đương với lãi suất vay thông thường.
Lãi suất rút tiền mặt thẻ tín dụng
Khi sử dụng thẻ tín dụng thì việc rút tiền mặt là điều tối kỵ nếu không thực sự cấp bách. Theo quy định của các ngân hàng, khách hàng nếu rút tiền mặt ở thẻ tín dụng sẽ phải chịu khoản lãi suất, dao động từ 3 – 5% số tiền giao dịch.
Ví dụ, bạn rút 1 triệu đồng tiền mặt từ thẻ tín dụng có hạn mức 20 triệu đồng/tháng. Quy định của ngân hàng, chủ thẻ sẽ phải trả 4% tiền rút phí + 2 % tiền lãi. Vì thế, khi giao dịch hoàn tất bạn sẽ mất tổng số tiền là:
- Phí rút tiền là 1.000.000 x 4% = 40.000 VNĐ
- Lãi suất là 1.000.000 x 2% = 20.000 VNĐ
- Theo đó, tổng số tiền cần thanh toán cho ngân hàng là 1.060.000 VNĐ.
Lãi suất đổi ngoại tệ từ thẻ tín dụng
Khách hàng sở hữu thẻ tín dụng quốc tế có thể mua sắm, chi tiêu thỏa thích không chỉ ở trong nước mà còn ở cả phạm vi toàn thế giới. Chỉ có điều, số tiền trong thẻ của khách sẽ được quy đổi phù hợp với tiền tệ của quốc gia mình mua hàng. Phí chuyển đổi ngoại tệ trên thẻ tín dụng dao động từ 2 – 4%, tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Tính lãi suất quá hạn thẻ tín dụng
Trong khoảng thời gian được miễn lãi nếu bạn không thanh toán toàn bộ khoản vay thì sẽ bị ngân hàng tính lãi suất trên số tiền đã sử dụng, không phải chỉ tính số tiền còn thiếu.
Ví dụ: Chu kỳ thanh toán từ ngày 1 đến ngày 30 hàng tháng, ngày đến hạn thanh toán là 15 tháng sau, lãi suất 25%/năm. Các giao dịch phát sinh trong 30 ngày gồm có:
– Ngày 10/3 thanh toán hóa đơn 05 triệu đồng; số dư nợ (SDN1) cuối ngày là 05 triệu đồng.
– Ngày 24/3 thanh toán hóa đơn 2 triệu đồng; SDN2 là 5 + 2 = 7 triệu đồng;
– Ngày 01/4 trả được 05 triệu đồng, SDN4 là 07 – 05 = 02 triệu đồng.
Ngày 15/4 nếu như không trả được số tiền 2 triệu đồng thì lãi suất sẽ bị tính ở các kỳ dư nợ, cụ thể:
– SDN1 bị tính lãi từ 10/3 tới 23/3, lãi = 5 triệu đồng* 25%/365 * 14 ngày = 47.900 đồng;
– SDN2 bị tính lãi từ 24/3 tới 01/4, lãi = 7 triệu đồng * 25%/365 * 8 ngày = 38.300 đồng;
– SDN3 bị tính lãi từ 01/4 tới 15/4, lãi = 2 triệu đồng* 25%/365 * 15 ngày = 20.500 đồng.
Như vậy, khách sẽ phải trả tổng số tiền lãi tháng vừa rồi là: 47.900 + 38.300 + 20.500 = 106.700 đồng. Ngoài ra, số tiền 2 triệu đồng nợ sẽ tiếp tục bị tính lãi những ngày sau đó cho đến khi trả hết.
Để không bị tính lãi suất thẻ tín dụng cao
- Thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất phải đúng hạn. Nếu không đủ khả năng thanh toán toàn bộ, nên trả trước một phần để tránh việc số tiền nợ lớn, lãi suất tăng cao.
- Trường hợp cần thiết mới rút tiền mặt, bởi rút càng nhiều, mức phí, lãi suất tồn càng lớn.
- Kiểm soát chi tiêu trong khả năng trả nợ để cân đối ngân sách, chi tiêu hợp lý.