Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được biết đã lập công ty riêng cho thương hiệu Heo ăn chuối BAPI, đúng với lộ trình bầu Đức công bố với toàn thể 55.000 cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2022. Công ty hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi BAPI HAGL, ngày bắt đầu thành lập nhằm ngày 26/5/2022, trụ sở tại Gia Lai, do ông Đinh Văn Lộc làm người đại diện.
Theo chia sẻ trước đó của ban lãnh đạo, BAPI HAGL sẽ là đơn vị chuyên phân phối heo BAPI của HAGL. Nhìn lại hành trình nuôi heo của HAGL: từ lúc phát hiện việc tận dụng chuối thải làm thức ăn, sắp xếp được quỹ đất chăn nuôi thuận lợi, đưa sản phẩm “demo” để thị trường tự trải nghiệm đánh giá, lên chương trình tặng cổ đông… đến việc chào bán chính thức và lập công ty phân phối mới đây, có thể thấy những bước đầu cho kế hoạch lớn của bầu Đức đang khá thuận lợi và đi đúng hướng.
Cần nhấn mạnh, heo cũng là dòng sản phẩm đầu tiên bầu Đức phát triển sản phẩm riêng mang thương hiệu HAGL, bên cạnh mảng bóng đá đã ghi sâu vào lòng người hâm mộ. “Tôi có một đối tác nói HAGL là thương hiệu lớn sao không làm sản phẩm gì cho thương hiệu này. Tôi đã suy nghĩ và bắt đầu với heo. Tôi tự tin khi ra Công ty BAPI HAGL sẽ sớm đạt doanh số trên 10.000 tỷ”, ông từng bày tỏ.
Được biết, thương hiệu heo ăn chuối BAPI được HAGL công bố ra thị trường từ tháng 3/2022 và sớm xuất hiện trên áo đấu của cầu thủ HAGL trước đó. Với lợi thế tự chủ được 40% nguyên liệu cấu thành nên thức ăn chăn nuôi, mà cụ thể là chuối, bầu Đức chọn nuôi heo là một trong hai mảng chiến lược cho hành trình sắp tới của HAGL.
Trong khi thức ăn đang chiếm 65-70% tổng giá thành sản phẩm, HAGL theo đó có lợi thế tuyệt đối trong mảng chăn nuôi heo. Công ty còn tìm ra công thức chế biến thức ăn cho heo với 40% thành phần là chuối, còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc… giúp heo hơi của HAGL có giá thành thấp.
Đến nay, song song với việc vận hành nhà máy chế biến thức ăn công suất 600 tấn mỗi ngày được phối trộn trên dây chuyền hiện đại và tự động hóa, HAGL cũng đã đưa vào hoạt động 5 dây chuyền sấy bột chuối làm nguyên liệu thức ăn cho heo; đồng thời đang tiến hành lắp đặt dây chuyền thứ 6.
Tín hiệu tốt mới đây, bất chấp hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhỏ gặp khó do giá thức ăn tăng cao, HAGL ghi nhận doanh thu tháng 4/2022 tăng trưởng mạnh với 348 tỷ đồng, LNST tương ứng đạt 105 tỷ đồng.
Theo Công ty, không chỉ tình hình kinh doanh chuối đang khả quan (giá xuất đâu đó 12 USD/thùng 13 kg), mảng chăn nuôi heo của HAGL cũng đem về lợi nhuận lớn. Dù rằng, trong thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi heo báo lỗ; nhiều hộ nông dân chăn nuôi heo nhỏ lẻ đối mặt nguy cơ giảm đàn cắt lỗ hoặc phải nghỉ nuôi do giá thức ăn liên tục tăng cao và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Khi mà, sản lượng thu hoạch hai loại nguyên liệu chính là bắp và đậu nành giảm do thời tiết không thuận lợi khiến giá thành tăng cao. Mặc khác, do ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraine, 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu lớn của ngành thức ăn chăn nuôi tác động đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào.
Tương lai xa hơn, HAGL theo người cầm trịch còn muốn cùng một đối tác (chưa tiện nêu tên) xây dựng hệ sinh thái cho ngành thịt heo như Vissan. Cả hai sẽ cùng xây một lò mổ có công suất khoảng 3.000 con/ngày và đối tác đó sẽ hỗ trợ HAGL bán thịt heo qua 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Cả hai còn muốn cùng nhau xây nhà máy chế biến thịt heo khô, chả giò, thịt nguội… để xuất khẩu.
Mặt khác, để phát triển ngành nuôi trồng nhiều hơn nữa, HAGL cũng vừa bổ nhiệm ông Trần Văn Giai – chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng cho heo – vào vị trí Thành viên HĐQT.
Bên cạnh những thuận lợi, nói về rủi ro, theo đại diện HAGL hiện tại trừ dịch tả châu Phi, tất cả các bệnh của heo đều đã có thuốc chích ngừa. Hiện, chuồng trại của HAGL luôn được canh phòng nghiêm ngặt, các nhân sự của Công ty có khi phải vào trong trại ở liền 4 tháng mới được về 1 lần nên vẫn đảm bảo được xác suất nhiễm ở mức thấp nhất có thể.