Nhà đầu tư cần chú ý thông tin của FED
Sau quãng thời gian điều chỉnh mạnh mẽ, thị trường chứng khoán đã bắt đầu có những dấu hiệu ổn định. Tuy có nhiều quan điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới, song những rủi ro về vĩ mô vẫn khiến nhà đầu tư thận trọng. Đánh giá dưới góc nhìn vĩ mô, ông Hoàng Việt Anh – Chuyên gia kinh tế Vĩ mô Chứng khoán VNDirect cho rằng trong năm 2020 – 2021, Ngân hàng Trung Ương bơm tiền mạnh đã kích hoạt thời kỳ tiền rẻ.
Và cũng chỉ trong hai năm đó, cỗ máy in tiền trong chương trình QE bơm tiền thông qua mua tài sản của Fed đã tăng tới mức chưa từng có tiền lệ, cụ thể QE năm 2007 tăng bảng cân đối của Fed từ khoảng 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ. Lượng cung tiền trong hệ thống đã tăng mạnh từ 14-15.000 tỷ USD và nói cách khác chỉ trong một năm lượng cung tiền M2 của Mỹ đã tăng hơn 50%.
Theo chuyên gia, lạm phát trở nên báo động là hệ quả của chu kỳ bơm tiền ồ ạt. Thêm vào đó, việc giá hàng hoá tăng chóng mặt, khan hiếm hàng hoá do đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân khiến lạm phát leo thang. Điều này khiến Fed thay đổi quan điểm khi không còn nhận định áp lực lạm phát là tạm thời và phải tiến hành tăng lãi suất để kiềm chế áp lực lạm phát. Cụ thể, trong 2 kỳ họp vừa qua Fed đã tăng 75bps lãi suất, thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất ở vùng 2,5 – 3% cuối năm sau.
Trước bối cảnh vĩ mô như trên, ông Cao Minh Hoàng – Giám đốc đầu tư – Công ty Quản lý quỹ IPA cho rằng nhà đầu tư nên theo dõi thông tin của Fed về vấn đề tăng lãi suất. Cụ thể, trong biên bản mới đây Fed nhấn mạnh vấn đề kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu nên việc tăng lãi suất sẽ là rủi ro cho kênh chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi những khó khăn trên thị trường chưa chấm dứt cho đến khi lạm phát được đẩy lùi.
Tuy rủi ro vẫn còn, song ông Hoàng cho rằng môi trường hiện tại vẫn có thể đầu tư nếu nhà đầu tư lựa chọn được những cổ phiếu tốt. Bởi nền kinh tế thường có tính chu kỳ, khi đi qua giai đoạn khủng hoảng thì nền kinh tế phục hồi rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một điểm sáng cho tốc độ tăng trưởng GDP.
Đánh giá riêng về lạm phát, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô Chứng khoán VNDirect cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm các biện pháp ứng phó của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước để kiềm chế áp lực lạm phát. Theo chuyên gia, để dự báo lạm phát tương đối khó, lạm phát 4 tháng đầu năm vẫn duy trì mức ổn định là 2,1%, song cần quan thêm phản ứng thị trường với lạm phát.
Điểm qua một số thông tin vĩ mô nhà đầu tư cần theo dõi trước khi mua cổ phiếu (1) Định giá cổ phiếu thị trường Việt Nam? (2) Dòng tiền nước ngoài rút ồ ạt? (3) Xu hướng của USD Index tăng mạnh? (4) Xu hướng dòng tiền rút khỏi nhóm emerging markets? (5) Thị trường chứng khoán thế giới tạo đỉnh dài hạn? (6) Các ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh trở lại? (7) Kênh cổ phiếu bị cạnh tranh với kênh đầu tư khác: Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất tiền gửi tăng lại?
Thị trường có thể tự đi lên bằng chính nội lực
Nhìn nhận về mức thanh khoản thị trường hiện tại, ông Phạm Ngọc Bách – Trưởng phòng Quản lý tài sản VNDIRECT thống kê năm 2018 vốn hoá thị trường là 3 triệu tỷ, thanh khoản khi đó hơn 6.600 tỷ đồng. Tính chung thanh khoản trung bình 1 phiên chiếm 0,25% vốn hoá toàn thị trường. Sau một giai đoạn điều chỉnh sâu, hiện vốn hoá trên HOSE đạt hơn 5 triệu tỷ, thanh khoản trung bình hơn 13-14.000 nghìn tỷ. Như vậy so với vốn hoá thị trường, thanh khoản trung bình một phiên khoảng 2,25% – mức trung bình trong bối cảnh thị trường không có nhiều biến động.
Ông Bách cũng cho rằng, trong ngắn hạn thị trường đi theo quy luật cung cầu, song nhìn về dài hạn sẽ đi theo quy luật giá trị, cụ thể là lợi nhuận doanh nghiệp. Đồng thời, nếu tập trung quá nhiều vào toàn thị trường, chúng ta sẽ bị lãng quên câu chuyện riêng của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư cần hiểu rõ tài sản của mình thì mới có thể nhìn ra được định giá đắt hay rẻ.
“Triển vọng trường vẫn sáng nhờ dòng tiền không dùng quá nhiều đòn bẩy cộng thêm yếu tố nền tảng tăng trưởng doanh thu niêm yết trên 20%. Về định giá, hồi đầu năm tôi không thấy nhiều cơ hội đầu tư với mức sinh lời tốt, song đến thời điểm hiện tại tôi thấy rất nhiều cơ hội cho dài hạn”, ông Phạm Ngọc Bách nêu nhận định.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, điều quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán là giá trị nhận được trong dài hạn. P/E hiện tại của VN-Index tương đương với thời điểm tháng 5/2020, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng 53% so với thời điểm đó. Như vậy, mặc dù định giá vẫn giữ nguyên nhưng trường đã có sự tăng trưởng vượt trội. Điều này đến từ việc các doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 2 năm qua. Nhìn về định giá dài hạn, VN-Index hấp dẫn nhất trong khu vực khi tính đến yếu tố tăng trưởng giai đoạn 2021- 2023.
“Nhà đầu tư dài hạn kỳ vọng giá trị doanh nghiệp mang lại trong dài hạn. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE được dự báo cao gấp đôi so với bình quân của 15 năm qua. Do đó, với mức định giá hiện tại, thị trường vẫn có thể tự đi lên bằng chính nội lực, cụ thể là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Hinh phân tích.
Nhìn nhận trên góc độ khác, ông Cao Minh Hoàng cho rằng nếu nhìn trên chỉ số P/E hay P/B thị trường đang được định giá rất rẻ. Song nếu quan sát dưới góc độ tâm lý có thể thấy sự bi quan của nhà đầu tư tương đương thời điểm tháng 3/2020, tuy nhiên độ rẻ không rẻ bằng. Tuy nhiên chuyên gia vẫn đánh giá đầu tư thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể có mức sinh lời tốt trong dài hạn.